Trao đổi với chúng tôi, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng việc cung cấp thông tin độc hại lên YouTube là đầu độc tâm hồn, nhân cách của hàng triệu người, đôi khi có thể nghiêm trọng hơn tội giết người, vì nó có thể là nguyên nhân để gây nhiều loại tội ác khác nhau.
Mức độ kiểm soát của Google chưa thực sự chặt chẽ
- Vừa qua, nhiều phụ huynh bức xúc khi tràn ngập video đen, ấu dâm trên YouTube và nhiều nhãn hàng quảng cáo trên những nội dung xấu độc này. Bà có nhận định gì về thực trạng trên?
- Mạng xã hội nói chung và YouTube nói riêng, bên cạnh những mặt tích cực mang lại thì cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Google đang hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới đều có Quy chế về kiểm duyệt (hậu kiểm) các nội dung cực đoan, bạo lực, xâm phạm tình dục trẻ em…
Tuy nhiên, mức độ kiểm soát vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Do đó, việc tăng cường kiểm duyệt thông tin là điều cần thiết, trong đó cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và chính bản thân người dân.
- Bộ Thông tin Truyền thông đang có những biện pháp để ngăn chặn việc tái diễn quảng cáo gắn video xấu, độc hại có ảnh hưởng tới trẻ em. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có những sự phối hợp cụ thể nào?
- Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực Quảng cáo, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xử lý, ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại có ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân và đặc biệt là trẻ em.
Cụ thể, ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao vầ Du lịch Lê Khánh Hải đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị kiểm tra hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, cung cấp các trang thông tin điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam để Bộ yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo theo quy định.
Ngoài việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan để đưa ra các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, từ đó tạo ra làn sóng ép các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thay đổi cách thức kiểm soát nội dung khi khai thác quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam..
Video độc hại là một nguyên nhân gây các loại tội ác
- Thưa bà, các doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm như thế nào khi quảng cáo trên các mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube?
- Các doanh nghiệp tìm đến hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội vì đây là một phương tiện quảng cáo có tính xu thế, giá thành hợp lý, độ lan tỏa nhanh, lượng người xem chủ động chứ không bị động như các phương tiện truyền thống.
Việc bị gắn với những clip xấu độc là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn vì điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh, thương hiệu của họ.
Chính vì vậy, thời gian qua, chính các doanh nghiệp đó đã đồng loạt ngừng quảng cáo, đồng thời yêu cầu Google… phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nội dung khi khai thác quảng cáo.
Sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp muốn bảo vệ môi trường quảng cáo trong sạch, lành mạnh đã khiến Google tìm mọi biện pháp tháo gỡ, sàng lọc nội dung, lấy lại niềm tin cho khách hàng trên lãnh thổ Việt Nam.
- Bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam dừng quảng cáo để gây sức ép với Google, nhà nước cần có những biện pháp gì để có thể ngăn chặn triệt để video đen trên YouTube?
- Để ngăn chặn thông tin độc hại lên mạng, tôi nghĩ vấn đề này cần phải điều chỉnh đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bằng các công cụ pháp luật. Không chỉ trong các văn bản hành chính, các văn bản pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực như thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, tài chính, an ninh… và ngay cả văn hóa đều có trách nhiệm tăng khả năng răn đe, ngăn ngừa.
Việc cung cấp thông tin độc hại lên mạng xã hội là đầu độc tâm hồn, nhân cách của hàng triệu người, đôi khi có thể nghiêm trọng hơn tội giết người, vì nó có thể là nguyên nhân để gây nhiều loại tội ác khác nhau.
Do vậy, việc bổ sung quy định và xử lý các mức độ sai phạm không chỉ trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Luật Dân sự mà ngay cả trong Bộ Luật Hình sự.
4 biện pháp chăn chặn quảng cáo trên video xấu độc
Thứ nhất, chúng ta phải ngăn chặn dòng tiền quảng cáo trong video vi phạm.
Thứ hai, chúng ta tiếp tục gỡ bỏ các thông tin xấu độc.
Thứ ba, theo đề nghị của doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng danh sách kênh sạch trên YouTube, hoặc kênh có đăng ký với Bộ, có bộ phận kiểm duyệt, rà soát xử lý khi có yêu cầu.
Thứ tư, chúng tôi tiếp tục phối hợp với báo chí để tuyên tryền, xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, như một khế ước xã hội để cùng tham gia và có chế tài dân sự.
Thứ năm, chúng tôi khuyến khích tổ chức, cá nhân muốn kiếm tiền trên mạng nên đăng ký với cơ quan quản lý.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Khánh An (Tri Thức Trực Tuyến)