Doanh nghiệp quay lưng, Facebook sắp ‘lụi tàn’?

19/12/2022 10:53:29

Hoạt động kinh doanh bết bát, lượng người dùng cơ sở bão hoà và ngày càng mất niềm tin vào công ty, khiến nhiều thương hiệu lớn dần quay lưng với Facebook, công ty mạng xã hội từng được coi là lớn nhất thế giới.

Cách đây vài năm, việc sử dụng thông tin tài khoản Facebook để đăng nhập là lựa chọn thường thấy trên các website. Sức ảnh hưởng của Facebook là không thể bàn cãi và tất cả đều muốn tận dụng độ phổ biến của nền tảng này trong nâng cao trải nghiệm khách hàng. Thế nhưng, các vấn đề về danh tiếng và tăng trưởng người dùng cơ sở trì trệ gần đây đã khiến các thương hiệu lớn không còn mặn mà với công ty truyền thông xã hội từng đứng số 1.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đồng loạt dừng cho phép người dùng sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập và mua sắm trên website của họ. Lý do là mạng xã hội này gắn nhiều với tai tiếng hơn là danh tiếng và lượng người dùng cơ sở thấp không giúp ích cho hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê, đến hết năm 2021, mạng xã hội Facebook có 1,93 tỷ người dùng hàng ngày, nhưng sang hết quý II/2022, tỷ lệ người dùng cơ sở tăng hầu như không đáng kể, đạt mức 1,97 tỷ.

Công ty công nghệ đa quốc gia Dell là một trong những doanh nghiệp đầu tiên loại bỏ tính năng đăng nhập với Facebook. Những thương hiệu lớn khác, trong đó có Best Buy, Ford Motor, Nike, Amazon hay dịch vụ phát trực tuyến video Twitch cũng đang làm điều tương tự. Điều này trái ngược với việc cách đây vài năm, khi sử dụng thông tin đăng nhập Facebook phổ biến khắp Internet, trên cả Google, Twitter hay LinkedIn.

Hành vi người dùng thay đổi vì lý do bảo mật riêng tư

Jen Felch, Giám đốc thông tin kỹ thuật số của Dell cho rằng, mọi người không còn sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng nhập vì lý do bảo mật, riêng tư và chia sẻ dữ liệu.

“Số lượng sử dụng danh tính mạng xã hội để đăng nhập đã thay đổi theo thời gian”, Felch cho biết. “Trên toàn ngành, chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều rủi ro bảo mật hoặc nguy cơ chiếm đoạt tài khoản, dù đó là Instagram hay Facebook. Do đó, mọi người đang có xu hướng tách biệt tài khoản mạng xã hội thay vì kết nối nó”.

Doanh nghiệp quay lưng, Facebook sắp ‘lụi tàn’?
Ngày càng nhiều doanh nghiệp quay lưng với Facebook. Ảnh: Reuters

Xu hướng này là dấu hiệu mới nhất cho thấy, Facebook đang giảm dần ảnh hưởng trên Internet sau hơn một thập kỷ tăng trưởng ngoạn mục. Năm ngoái, hoạt động kinh doanh của nền tảng mạng xã hội này cũng gặp khó khăn sau khi vấp phải một loạt thách thức, từ việc Apple thay đổi chính sách bảo mật, sự nổi lên mạnh mẽ của TikTok hay những vụ việc phát tán tài liệu nội bộ.

Facebook vốn là một không gian cá nhân, nơi mọi người có thể chia sẻ sinh nhật, các bức ảnh gia đình và bây giờ người dùng đang cảm thấy “không gian cá nhân của mình bị xâm phạm”.

Năm 2018, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện đã thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu hồ sơ Facebook để sử dụng quảng cáo mục tiêu trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Đến đại dịch Covid-19, người dùng Facebook ngập trong thông tin sai lệch về khẩu trang và vắc xin. Chưa dừng lại, tài liệu do cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ vào năm ngoái, cho thấy Facebook biết rõ những thiệt hại gây ra với người dùng nhưng không cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ.

Cuối năm ngoái, Facebook đã đổi tên thành Meta với nỗ lực đưa công ty chuyển hướng từ mạng xã hội sang vũ trụ ảo (metaverse) tương lai. Trước sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, vào tháng 7, Meta cũng “ngậm ngùi” cho biết, người dùng thiết bị thực tế ảo sẽ không cần sử dụng thông tin Facebook để đăng nhập.

Ngày càng nhiều thương hiệu muốn “chia tay” với Facebook

Rakesh Soni, CEO của LoginRadius, công ty quản lý danh tính kỹ thuật số cho hay, nhiều công ty từng coi việc đăng nhập tài khoản mạng xã hội là cách thức đem lại thuận tiện cho người truy cập khi họ không phải đăng ký và ghi nhớ hàng tá tài khoản cũng như mật khẩu.

Theo vị CEO này, đó từng là giải pháp win-win cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, khi công ty Internet và nhà cung cấp quảng cáo đều hưởng lợi. Các trang web tận dụng mức độ phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội và giảm sự bất tiện với khách hàng trước khi chốt đơn. Facebook và Google hưởng lợi từ tất cả dữ liệu mà họ có thể thu thập, chẳng hạn như người dùng dành nhiều thời gian cho cái gì và loại sản phẩm nào họ đang tìm kiếm. Trong khi đó, các nhà quảng cáo có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả và nhắm mục tiêu tốt hơn.

Mối quan hệ “tay ba” đó dường như đã kết thúc. Soni cho hay, các trang web đang thấy ít giá trị hơn trong mối quan hệ này, phần lớn do người tiêu dùng đã mất niềm tin vào Facebook.

Stephanie Liu, chuyên gia phân tích tiếp thị tại Forrester, chia sẻ rằng cô mỗi ngày nhận được nhiều hơn cuộc gọi từ các công ty, nhà bán lẻ nói “muốn chia tay với mạng xã hội của Zuckerberg”.

Một báo cáo của LoginRadius trong năm 2022, dựa trên phân tích hơn 1.000 website và ứng dụng, cho thấy Google đang là tài khoản được sử dụng đăng nhập phổ biến nhất tại Bắc Mỹ. Khoảng 38,9% người dùng thích đăng nhập bằng Google, tăng hơn 1,5% so với năm 2019. Trong khi đó, số người muốn sử dụng Facebook cho mục đích tương tự giảm 5%, xuống chỉ còn 38,7%.

Liu nhận định một phần của sự sụt giảm trên do Facebook phải điều chỉnh chính sách sau vụ bê bối Cambridge Analytica, công ty “đã kiểm soát lượng dữ liệu người dùng mà họ sẵn sàng chia sẻ với các đối tác của mình”. Nghĩa là các thương hiệu “nhận được ít thông tin về người dùng hơn, từ đó khó xác định và ít cách tiếp cận hơn với người dùng”.

Mặc dù đăng nhập Facebook chưa “tuyệt chủng” ngay lập tức, khi nhiều website của hãng truyền thông và tổ chức tin tức vẫn sử dụng cách thức này như một lựa chọn cho người dùng. Song về lâu dài, xu hướng các doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội đã bắt đầu và Facebook là công ty chịu thiệt hại lớn nhất.

Theo Thế Vinh (ICTNews)