Hầu như tất cả người dùng điện thoại đều từng gặp hiện tượng này. Bạn cắm điện thoại vào và chờ đợi pin được sạc đầy, nhưng chẳng bao lâu sau, điện thoại nóng lên một cách khó chịu.
Theo CNET, việc máy ấm lên khi sạc là điều bình thường nhưng điện thoại quá nóng khi chạm vào có thể báo hiệu vấn đề bất thường, đặc biệt nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên.
Thủ phạm có thể là bất cứ thứ gì, từ bộ sạc không đảm bảo, tình trạng sạc quá mức hoặc bí nhiệt do thông gió kém. Dù lý do khiến một chiếc điện thoại quá nóng là gì thì điều quan trọng là phải giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệt càng sớm càng tốt để kéo dài hiệu suất và tuổi thọ của pin.
Hãy nhớ rằng, điện thoại quá nóng có thể gây trục trặc, làm hỏng các bộ phận bên trong và rút ngắn tuổi thọ pin. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến điện thoại của bạn bị nóng khi sạc và cách giải quyết từng nguyên nhân.
Vừa sử dụng vừa sạc
Khi bạn thực hiện đa tác vụ - cho dù là xem chương trình yêu thích, chơi trò chơi hay chạy các ứng dụng đồ họa chuyên sâu - điện thoại sẽ yêu cầu sức mạnh xử lý đáng kể từ CPU và GPU. Vừa sử dụng nhiều ứng dụng vừa cắm sạc có nguy cơ đẩy thiết bị đến giới hạn và có thể xảy ra tình trạng quá nhiệt.
Khi được cắm điện, điện thoại sẽ lấy nguồn từ bộ sạc để bổ sung pin. Bản thân quá trình sạc sẽ tạo ra nhiệt, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng bộ sạc nhanh. Vì vậy, bạn đang tự tạo ra hai nguồn nhiệt: một đến từ các ứng dụng đang đòi hỏi CPU và GPU chạy hết công suất và thứ hai chính là quá trình sạc.
Giải pháp: Ưu tiên sạc điện thoại hơn là sử dụng. Khi pin yếu, hãy tập trung vào việc sạc trước. Sau khi được sạc đầy, bạn muốn làm gì là việc của bạn.
Sạc cáp lẫn lộn
Nếu đang sử dụng bộ sạc hoặc cáp của bên thứ ba để sạc pin, bạn có thể gặp rủi ro làm hỏng chính điện thoại của mình. Bộ sạc không hỗ trợ tiêu chuẩn sạc của nhà sản xuất thiết bị gốc thường thiếu độ chính xác trong việc cung cấp điện. Cần lưu ý rằng, Apple có tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt đối với bộ sạc của bên thứ ba. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn các bộ sạc của các thương hiệu vô danh.
Dây cáp và bộ sạc được bán với giá rẻ trên các trang mạng thường dễ có các bộ phận bị lỗi có thể làm gián đoạn dòng điện, tất cả đều dẫn đến việc khiến điện thoại trở nên quá nóng.
Giải pháp: Hãy loại bỏ những bộ sạc giá rẻ. Không có sự đầu tư nào khôn ngoan hơn là chọn những bộ sạc chất lượng có giá thành ở mức trung bình trở lên.
Giải pháp thoáng khí
Không phải sinh vật nhưng điện thoại của bạn vẫn cần không khí. Nếu thiết bị bị che chắn, không có lỗ thông khí, nhiệt do các linh kiện bên trong tạo ra không thể thoát ra khỏi thân thiết bị, khiến sức nóng ngưng tụ.
Ở quốc gia này, điều hòa nhiệt độ được ví như "phát minh vĩ đại", thứ không thể thiếu ở bất kỳ tòa nhà nào. Không có điều hòa thì không sống được.
Giải pháp: Đảm bảo điện thoại thông thoáng nhất có thể. Bản thân Apple khuyến nghị người dùng nên lấy iPhone ra khỏi ốp khi sạc bởi một số loại ốp lưng có thiết kế bó sát và quá kín, có thể tạo ra nhiệt lớn, điều có thể ảnh hưởng đến dung lượng pin.
Tất nhiên, với nhiều người, điều này thật sự phiền phức. Nếu không làm được, ít nhất nên để thiết bị ở nơi thông thoáng khi sạc, tránh che chắn hay đặt đồ vật nào đó lên trên. Hãy cho điện thoại một chút không gian để thở theo đúng nghĩa đen.
Sạc quá lâu không hẳn là vấn đề
Hầu hết các thiết bị hiện đại đều được trang bị cơ chế bảo vệ để ngăn ngừa sạc quá tải. Ví dụ: khi pin lithium-ion bên trong iPhone đạt 100% dung lượng, quá trình sạc sẽ tự động dừng.
Bắt đầu với việc phát hành iOS 13 vào năm 2019, Apple đã giới thiệu một công cụ có tên Tối ưu hóa sạc pin trên iPhone, giới hạn mức sạc ở mức khoảng 80% khi kết nối với bộ sạc trong thời gian dài (chẳng hạn như qua đêm).
Nhiều điện thoại Android cung cấp tính năng tương tự và thậm chí còn có các tùy chỉnh mạnh mẽ hơn. Nhưng tóm lại, bạn không cần quá lo lắng về việc sạc điện thoại qua đêm quá nhiều.
Như đã nói, nếu điện thoại liên tục quá nóng, đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Hãy cân nhắc việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ của nhà sản xuất.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin)