Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì?

27/08/2024 21:07:12

Tại sao phải chi đến 20 triệu cho một chiếc iPhone 15 khi tính năng còn không bằng điện thoại Trung Quốc giá chỉ 3-4 triệu?

Điện thoại ngày nay quá "ngáo giá"?

Trong bài viết gần đây, chuyên gia review Peter Kostadinov của trang Phone Arena đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tiết lộ anh vẫn đang dùng chiếc iPhone 13 Pro Max suốt 3 năm qua và không có ý định sẽ nâng cấp mới, kể cả khi iPhone 16 sắp tới hứa hẹn có rất nhiều tính năng AI thời thượng.

Tất nhiên, Kostadinov có thừa điều kiện để sắm cho mình chiếc điện thoại cao cấp nhất của Apple hay Samsung trên thị trường, nhưng anh nói không, vì lý do đơn giản: Điện thoại cũ vẫn dùng tốt và những mẫu mới ngày nay chẳng đáng tiền.

Có một sự thật là các thiết bị công nghệ ngày nay tăng giá cao ngất ngưởng, thậm chí đắt đến mức vô lý khi xét đến những gì chúng mang lại cho người dùng. Điều này khác xa so với thời hoàng kim trước đây, khi điện thoại, laptop mỗi khi ra mắt dù có "đắt nhưng là xắt ra miếng".

Với Kostadinov, chiếc iPhone 13 Pro Max của anh vẫn đảm bảo chạy mượt mà mọi tác vụ, thời lượng pin đủ dùng cả ngày và chụp ảnh thì chẳng kém gì iPhone 15 Pro Max. Anh không muốn bỏ ra đến 1.199 USD (hơn 30 triệu) cho một chiếc điện thoại mới chẳng khác gì thứ mình vẫn cầm trên tay.

Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì?
iPhone 13 Pro Max vẫn dùng tốt sau nhiều năm.

Vài năm gần đây, nhiều ý kiến đã chỉ trích các công ty như Apple đang tăng giá điện thoại vượt quá giới hạn túi tiền, trong khi xu hướng của một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các thiết bị có giá thành rẻ, bớt bóng bẩy hơn nhưng trải nghiệm vẫn đầy đủ.

Với bối cảnh công nghệ ngày càng bão hòa, kinh tế suy thoái, tiêu dùng thông minh đang trở thành xu hướng chung. Cùng với đó, khoảng cách giữa các thiết bị đắt tiền và giá rẻ đang ngày càng ngắn lại.

Cuộc thăm dò gần đây trên Phone Arena đã phản ánh phần nào xu hướng này. Đa phần những người được hỏi vì sao trả nhiều tiền để mua điện thoại cao cấp đều trả lời rằng một phần là tò mò công nghệ mới, thứ hai là vì công việc làm ăn và quan trọng hơn cả là do có nhiều ưu đãi trả góp.

Nhưng không hiếm những người "liều lĩnh" mua những thiết bị đắt tiền vì tò mò để rồi hối hận. Như cây bút Roland Moore-Colyer của Tech Radar là một ví dụ. Anh đã phải thốt lên rằng iPhone 15 Pro Max là chiếc điện thoại "ảo giá" và nhàm chán nhất thị trường chỉ sau khi dùng thử được nửa năm.

Sẽ không vấn đề gì nếu Apple vẫn giữ nguyên mức giá cũ, nhưng chiếc iPhone này lại tăng thêm 100 USD trong khi chẳng có gì mới mẻ thực sự.

Roland còn chê luôn cả iPhone 15 dù số đông vẫn coi đây là chiếc iPhone "đáng mua nhất" vì giá rẻ và hiệu năng ổn định. Anh cho rằng iPhone 15 chỉ tốt và rẻ khi so sánh với chính những chiếc đắt hơn trong dòng iPhone 15, còn khi so với những mẫu điện thoại tầm trung khác, đây là một thảm họa.

Không ai tưởng tượng nổi một chiếc điện thoại có giá 799 USD (20 triệu đồng) vẫn còn màn hình 60Hz, cổng USB-C kết nối chậm và chỉ có hai camera phía sau, thứ thậm chí còn thua kém những mẫu điện thoại phổ thông đến từ Trung Quốc có giá 3-4 triệu như POCO M4 Pro 5G.

Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì? - 1
iPhone 15 gây tranh cãi khi tính năng không đi đôi với giá thành.

Những chiếc điện thoại đắt tiền nhưng hiệu năng không tương xứng ngày càng nhiều. Đến nỗi trang Make Use Of gần đây còn lập hẳn một "bí kíp tiêu dùng", khuyên mọi người không nên bỏ vài chục triệu để mua một chiếc điện thoại nếu nó thiếu các tính năng mà các mẫu điện thoại giá rẻ cũng có

Những tính năng này bao gồm: Màn hình tần số 90-120 Hz, 3 camera, tấm nền OLED, chip hàng đầu, 8GB RAM, pin dùng cả ngày, dung lượng 256 GB và cập nhật phần mềm lâu dài.

Việc năm 2024 rồi mà Apple vẫn bán được chiếc iPhone 15 với tính năng xoàng xĩnh thế kia hoàn toàn đến từ việc hãng làm thương hiệu quá tốt chứ chẳng phải mức giá đó xứng đáng.

Khoảng cách đã bị rút ngắn

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, trừ khi điện thoại cao cấp là một phần không thể thiếu trong công việc, hay đơn giản hơn là bạn có thừa điều kiện kinh tế để trải nghiệm những thứ mới nhất và tuyệt vời nhất mà không bận tâm đến giá thành - còn không hãy chọn những thiết bị khác giá rẻ mà vẫn đủ hiệu năng.

Hồi đầu năm nay, có một chiếc điện thoại đã gây ngỡ ngàng cho giới công nghệ khi có những thông số kỹ thuật và tính năng còn vượt trội hơn cả các flagship cao cấp nhất nhưng giá bán chỉ có 15 triệu, bằng một nửa so với con số thông thường.

Đó là trường hợp của ZTE Nubia Z60 Ultra. Đây là điện thoại đầu tiên được bán trên toàn cầu với con chip Snapdragon 8 Gen 3 mới nhất, hệ thống camera cực kỳ ấn tượng với camera zoom kính tiềm vọng 64MP, 3,3x, cảm biến siêu rộng lớn nhất khi so với bất kỳ chiếc smartphone cao cấp nào (1/1,55 inch).

Ngoài ra, Nubia Z60 Ultra cũng là điện thoại đầu tiên có thể quay video 120 khung hình/giây bằng cả ba camera phía sau. Để giúp bạn hiểu phần cứng camera trên Nubia Z60 Ultra ấn tượng như thế nào, hãy nhớ rằng Galaxy S24+ trị giá 1.000 USD cũng chỉ dùng cảm biến 50MP 1/1,56 inch với khẩu độ f/1.8 cho camera chính.

Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì? - 2
ZTE Nubia Z60 Ultra giống như một sản phẩm bán ra không cần lợi nhuận.

Nếu như thế còn chưa đủ ấn tượng thì viên pin 6.000 mAh (lớn nhất thị trường) và sạc nhanh 80W của Nubia Z60 Ultra có lẽ đã đủ tạo nên sự nổi bật.

Đừng hy vọng tìm trên thị trường có chiếc điện thoại nào giá 20 triệu thậm chí là dưới 30 triệu có chỉ số "đồ sộ" như thế.

ZTE Nubia Z60 Ultra nhanh chóng nhận được những đánh giá tích cực của giới chuyên môn. Hạn chế duy nhất có lẽ chỉ là chỉ là thương hiệu không quá nổi tiếng.

Thông thường, các hãng điện thoại Trung Quốc có xu hướng cắt giảm một số khía cạnh để giảm giá bán cho thiết bị mà vẫn kiếm được lợi nhuận, nhưng ZTE khiến người ta đặt câu hỏi liệu có phải hãng đang "cho không" người dùng khi đặt mức giá không tưởng như vậy?

Đừng nhìn vào thương hiệu

Có một sự thật là Apple và Samsung không còn là hai cái tên bảo chứng duy nhất trên thị trường điện thoại. Có rất nhiều thương hiệu điện thoại khác với giá rẻ nhưng đa năng, hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn không tồi.

Đáng chú ý nhất phải kể đến những thương hiệu đến từ Trung Quốc. Họ đã sớm xóa bỏ tai tiếng "nhanh hỏng, lắm lỗi" như cách đây vài năm, mang lại những thiết bị có giá trị nhiều hơn số tiền mà người dùng bỏ ra.

Ví dụ như OnePlus Open. Đây được coi là một trong những điện thoại màn hình gập tốt nhất năm 2024, với phần cứng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn Samsung và Google trong khi có mức giá rất hợp lý.

Ngoài giá rẻ, đặc trưng thứ hai của điện thoại Trung Quốc là rất đa dạng, từ kích cỡ, biến thể khác nhau, gập theo chiều dọc, chiều ngang… thậm chí hướng ra ngoài, như Huawei Mate Xs 2.

Họ có điện thoại bình dân, thiết bị cao cấp, hàng tầm trung, điện thoại chuyên máy ảnh và vô số những thiết bị với những tính năng đặc biệt. Có thể nói, các tùy chọn gần như vô tận.

Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì? - 3
Các hãng điện thoại Trung Quốc đã chứng minh được thực lực.

Chính vì phải cạnh tranh với những tên tuổi hàng đầu, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc thường nhanh chóng giới thiệu, áp dụng và triển khai các công nghệ mới nhất như một yếu tố tăng tính cạnh tranh.

Chẳng hạn, Xiaomi là một trong những hãng đầu tiên giới thiệu cảm biến vân tay dưới màn hình và camera độ phân giải cao. Realme, Redmi và Xiaomi đang thử nghiệm khả năng sạc nhanh 300W. Hãy nhớ rằng Galaxy S24 hiện chỉ sạc nhanh ở 25W – chậm hơn đến mười lần.

Nếu cảm thấy điện thoại thông minh hiện nay thật nhàm chán, bạn không đơn độc. Thực tế là gần như toàn bộ thiết bị trong phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh đang trì trệ và thiếu đi sự cạnh tranh.

Trong vài năm qua, các mẫu flagship hàng đầu chỉ mang đến những bản nâng cấp nhỏ về hiệu năng trên một thiết kế cũ và các tính năng AI phần nhiều là mánh lời quảng cáo.

Thay vì chỉ chăm chăm nhìn các mẫu hàng đầu, hãy thử xem xét những thiết bị khác trong thị trường điện thoại thông minh, nơi sự đổi mới đang cất cánh. Những thiết bị này không còn là phiên bản yếu hơn của những cái tên "đầu đàn", mà đã trở thành một sản phẩm có khả năng đứng riêng biệt.

Đừng để bị móc túi

Câu chuyện điện thoại ngày càng "ảo giá" và không xứng đáng với số tiền bỏ ra cũng tương ứng với nhiều món đồ công nghệ khác trong cuộc sống.

Khi tiến bộ công nghệ bị chững lại, không khó để nhận thấy một chiếc đồng hồ thông minh có giá cả chục triệu thì tính năng cũng không khác với những mẫu đồng hồ vài ba triệu.

Điện thoại ngày nay quá 'ngáo giá': iPhone 15 mà không bằng điện thoại Trung Quốc 4 triệu thì mua làm gì? - 4
Trả hơn 20 triệu, bạn chỉ có một chiếc máy tính 8GB RAM.

Hay một ví dụ nổi tiếng khác là chiếc MacBook chỉ có 8GB RAM của Apple được bán với giá hơn 20 triệu đồng, đắt cắt cổ so với cấu hình mang lại, nhưng Apple vẫn chống chế rằng "dùng ổn" dù nhận về vô số những lời chỉ trích của người dùng.

Hãy nhìn vào iPhone 15 Pro Max, biểu tượng của sự đắt đỏ và đẳng cấp, với giá bán ở mức hơn 30 triệu đồng. Đây là thiết bị có khả năng quay video chuyên nghiệp nhất trên thị trường.

Nhưng liệu việc trả thêm đến cả chục triệu đồng cho việc quay chụp có phải là xứng đáng, trong khi một chiếc điện thoại bình dân như Google Pixel 7a hay Galaxy S23 FE vẫn mang lại gần như đầy đủ mọi tính năng tương tự như trên thiết bị của Apple?

Bài học thực tế nhất mà nhiều chuyên gia công nghệ rút ra được trong nhiều năm qua là chúng ta chỉ nên bỏ ra một số tiền vừa đủ cho các món đồ công nghệ. Trả thêm tiền cho các mục đích khoe khoang và các lợi ích phi chức năng khác chẳng có ý nghĩa gì.

Một chiếc điện thoại đáng tin cậy không nhất thiết phải là mẫu iPhone trị giá hơn 30 triệu. Nó có thể là sự kết hợp của các bộ phận thế hệ mới và cũ hơn, với giá bán hợp lý, tổng hòa được mọi chức năng và khiến bạn không phải hối tiếc vì số tiền đã trả.

 

Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)