Điện thoại 2G ‘cục gạch’ giảm dần trên mạng lưới viễn thông

17/04/2024 06:43:06

Nhà mạng đang chặn dần điện thoại 2G 'cục gạch'. Đến tháng 9/2024, sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới viễn thông Việt Nam.

Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Do vậy, Bộ TT&TT yêu cầu đến tháng 9/2024, sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới. 

Tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2024 với đối tượng quản lý là các doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các cơ quan báo chí (ngày 15/4), đại diện Viettel đã chia sẻ nhiều thông tin về kết quả triển khai chiến dịch chuyển các thuê bao 2G lên 4G. 

Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ thuê bao 2G trên mạng lưới của Viettel đã giảm từ 30% xuống còn 13,4%. Đặc biệt, từ tháng 6/2023, khi Bộ TT&TT chỉ đạo quyết liệt việc tắt sóng 2G, tốc độ giảm thuê bao 2G của Viettel đã tăng lên gấp 2 lần so với bình thường.

Điện thoại 2G ‘cục gạch’ giảm dần trên mạng lưới viễn thông
Tổng giám đốc Viettel Telecom Cao Anh Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Viettel phấn đấu đến tháng 9/2024 sẽ chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G trên mạng lưới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Viettel có 4 chương trình hành động cụ thể. Theo đó, năm 2024, Viettel dự kiến triển khai thêm khoảng 20.000 trạm để tăng vùng phủ 4G tương đương với 2G, tức vùng phủ đạt 99% dân số.

Ông Cao Anh Sơn cho hay, theo thống kê, mỗi tháng có gần 300.000 thiết bị 2G nhập khẩu vào Việt Nam cố nhập mạng Viettel. Đến tháng 9/2024, những trường hợp này sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải hỗ trợ máy hoặc có phương án dịch chuyển thiết bị lên 4G. Do đó, từ 1/3 năm nay, Viettel đã chặn toàn bộ máy 2G mới nhập mạng.

Song song đó, Viettel đã phối hợp cùng các hãng sản xuất thiết bị để trợ giá smartphone cho người dùng, với mức giảm giá lên tới 50%. Nhà mạng này cũng cung cấp dịch vụ trả góp khoảng 200.000/tháng để hỗ trợ người dùng có nhu cầu nâng cấp thiết bị lên 4G. 

Để tăng nhu cầu sử dụng 4G, Viettel đã xây dựng các chương trình hỗ trợ về dịch vụ data, ứng dụng OTT. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được triển khai mạnh, hơn 13.000 nhân viên Viettel đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ các thuê bao 2G. 

Điện thoại 2G ‘cục gạch’ giảm dần trên mạng lưới viễn thông - 1
Đến tháng 9/2024, các thiết bị 2G only sẽ không còn sử dụng được tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Tổng giám đốc Viettel Telecom cho rằng, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G là khoảng 73% người sử dụng đang ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, biên giới; 65% ở độ tuổi trên 60 tuổi, 75% là người nông dân, dân chài, lái xe. Đây là nhóm đối tượng người dùng mà nhà mạng khó tiếp cận.

Do đó, Viettel đề xuất cần sớm có chính sách hỗ trợ smartphone cho người nghèo từ nguồn Quỹ Viễn thông công ích. Nhà mạng này cũng kiến nghị Bộ TT&TT sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cho thiết bị M2M, để các công tơ điện tử, thiết bị định vị,... khi nhập về Việt Nam phải hỗ trợ 4G và 5G. Viettel cũng đề xuất tiếp tục triển khai đấu giá các băng tần còn lại để đẩy nhanh phủ sóng 4G ở vùng sâu, vùng xa.  

Chia sẻ tại hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Quỹ Viễn thông công ích hiện có khả năng hỗ trợ khoảng 1,2 triệu thiết bị smartphone cho các hộ nghèo. Bộ TT&TT sẽ sớm cụ thể hóa việc này trong năm nay. 

Khoảng 5 tháng nữa sẽ đến hạn không còn thuê bao 2G nhưng Việt Nam vẫn còn 9 triệu thuê bao 2G trên mạng lưới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mỗi tháng họp một lần với các doanh nghiệp viễn thông để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các nhà mạng.

Theo Trọng Đạt (VietNamNet)

Nổi bật