Bị khóa iPhone vì vay tiền bằng iCloud
Khi tìm kiếm với các từ khóa liên quan đến vay tiền, người dùng nhận được hàng trăm kết quả ở cả kho ứng dụng của iOS lẫn Android. Hầu hết đều đánh vào tâm lý muốn vay tiền nhanh, lãi suất thấp, của người sử dụng. Phần lớn ứng dụng đều có tên gọi như "vay tiền mặt nhanh", "vay trong 30 giây", "vay hỏa tốc"...
Trong số này, nhiều ứng dụng ghi nhận số lượt tải từ 500 nghìn đến 1 triệu lượt. Thậm chí có loại đứng trong Top 10 ứng dụng tài chính phổ biến nhất trên Play Store tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số dịch vụ cho vay tiền không xuất hiện trên kho ứng dụng, nhưng nhân viên tư vấn có sẵn file cài (chẳng hạn file apk trên Android), để yêu cầu người vay cài lên máy.
Hoàng Phong, một khách hàng, kể: "Khi tôi kêu khó khăn trong việc thanh toán khoản vay của ứng dụng đầu tiên, nhân viên đòi nợ gợi ý tôi tải một ứng dụng thứ hai về để vay và trả cho khoản nợ đó". Khi tìm hiểu, Phong mới biết các ứng dụng này là của cùng một công ty.
Nhiều người nghĩ rằng cho vay tiền qua ứng dụng là cách làm văn minh, tuy nhiên, họ không biết rằng các phần mềm này đã lợi dụng smartphone để kiểm soát người vay một cách gắt gao.
Với người dùng iOS, một số dịch vụ cho vay tiền yêu cầu người vay phải đăng nhập tài khoản iCloud do bên cho vay chỉ định. Từ đó, đơn vị cho vay kiểm soát nhiều thông tin của người vay, như vị trí, danh bạ, ảnh, tài liệu... Thậm chí nếu cần, họ có thể khóa máy người nợ từ xa.
Với Android, mặc dù không yêu cầu đăng nhập tài khoản, các ứng dụng cho va lại yêu cầu quyền nhiều quyền kiểm soát máy khác.
Một ứng dụng vay tiền nổi tiếng trên Android với hơn một triệu lượt tải, yêu cầu quyền truy cập vào hơn 20 tính năng của máy. Theo thông tin ghi trên hướng dẫn sử dụng, ứng dụng này yêu cầu được đọc và sửa đổi danh bạ, đọc tin nhắn, truy cập vào vị trí chính xác của người dùng, chụp ảnh và quay video, xem kết nối Wi-Fi, ngăn điện thoại chuyển sang chế độ ngủ, thậm chí xem và sửa nội dung trên thẻ nhớ, gửi email bí mật.
Một người từng sử dụng ứng dụng vay tiền cho biết, các ứng dụng này yêu cầu rất nhiều quyền truy cập. Nhưng chỉ cần người dùng từ chối một trong các yêu cầu đó, hồ sơ vay có thể sẽ không được duyệt.
Theo chuyên gia công nghệ độc lập Nguyễn Tuấn Anh, khi đồng ý cho người khác đăng nhập iCloud vào iPhone hay chấp nhận các quyền truy cập trên máy Android, người dùng đã trao quyền kiểm soát các dữ liệu cá nhân trong thiết bị cho người lạ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về dữ liệu riêng tư.
Thực tế, nhiều người vay tiền từ ứng dụng phản ánh về việc bị các ứng dụng này lấy dữ liệu và sử dụng mà không được sự đồng ý. "Khi đăng ký, dịch vụ yêu cầu tôi cung cấp số điện thoại của hai người thân và tôi đã làm theo. Tuy nhiên khi đến hạn trả tiền, dịch vụ này lại gọi điện đến toàn bộ người trong danh bạ khiến cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng", Hồng Quyên, một người từng đi vay, phản ánh trong phần nhận xét ứng dụng.
Nhờ kiểm soát toàn bộ quy trình và ứng dụng, các đơn vị cho vay có thể gây khó khăn cho người dùng để trục lợi. Người dùng có nickname Mạnh Kiên phản ánh, ứng dụng "bình thường hoạt động tốt, nhưng cứ sắp đến ngày trả lãi, chập chờn", khiến anh thường xuyên rơi vào tình trạng trả nợ chậm và bị phạt.
Điều này dẫn đến việc, hầu hết các ứng dụng cho vay tiền đều nhận được nhiều đánh giá 1*. Nhiều người cho rằng các ứng dụng này vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư, trong khi số tiền nhận được không giống trong thỏa thuận.
Người dùng có tên Nhung Nguyễn, cho biết, cô được duyệt cho vay số tiền 2 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ nhận được 1,8 triệu. Sau một tuần, bên cho vay yêu cầu phải trả 2,6 triệu đồng, trong đó 600 đồng là lãi.
Nhiều người khác phản ánh về việc "đã cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân, thậm chí cả chứng minh thư và hộ khẩu, nhưng không nhận được phản hồi từ ứng dụng". Ngoài ra, chuyện lấy thông tin liên hệ trong danh bạ để gọi điện đòi tiền, xảy ra ở hầu hết các ứng dụng dạng này.
Theo Lưu Quý (VnExpress.net)