Trong thời đại số hóa, dấu "tick xanh" từ một chỉ báo chứng tỏ tài khoản được xác nhận chính chủ trên Facebook dần được xem như là một biểu tượng của "quyền lực" trên không gian mạng. Việc sở hữu dấu tick xanh được nhiều người xem là cách để nhanh chóng tăng uy tín, độ tin cậy, giúp việc làm ăn, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó, tại Việt Nam, hàng loạt các dịch vụ làm tick xanh Facebook ra đời với nhiều cái bẫy giăng ra dẫn dụ người có nhu cầu.
Chiêu trò lừa đảo tinh vi
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất của các dịch vụ "tick xanh" lừa đảo là yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại liên kết và hình ảnh giấy tờ tùy thân như căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, kẻ lừa đảo có thể chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook của nạn nhân, sử dụng tài khoản này để thực hiện các hành vi trái pháp luật như lừa đảo, vay tiền...
Thiên Bảo (SN 1998, ngụ Q.Bình Thạnh), cho biết: "Do làm kinh doanh bất động sản, tôi có nhu cầu làm tick xanh để tăng uy tín trên Facebook nhưng không đủ điều kiện nên phải làm thông qua dịch vụ. Sau khi tìm hiểu, tôi liên hệ với một đơn vị nhận làm tick xanh cho Facebook cá nhân với giá 1,5 triệu đồng". Sau khi hỏi thủ tục và thỏa thuận xong giá cả, anh Bảo được yêu cầu cung cấp hàng loạt thông tin như tên, email đăng nhập, mật khẩu, ảnh hai mặt căn cước công dân, ảnh và video chân dung... "Sau vài ngày thì Facebook tôi có tick xanh thật, nhưng sau đó mất hoàn toàn quyền truy cập tài khoản. Tá hỏa, tôi liên hệ số điện thoại bên phía dịch vụ thì mới phát hiện bị lừa".
Trên các hội nhóm Facebook, không thiếu những người đã lên tiếng để "bóc phốt" các dịch vụ làm tick xanh lừa đảo. Trong đó, nhiều người cho biết bị lừa khi chuyển tiền nhưng không có tick xanh như mong muốn, cũng không ít người cho biết đã bị lừa lấy luôn tài khoản, người thân bạn bè bị nhắn tin vay mượn tiền.
Hiện tại, Facebook tại Việt Nam vẫn chỉ giới hạn việc xác thực tài khoản cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... có uy tín, sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Chính điều này đã thúc đẩy nhiều người muốn sở hữu tick xanh, xem đó như một cách nhanh chóng để gia tăng độ tin cậy và uy tín cho tài khoản của mình, phục vụ cho các mục đích khác nhau như kinh doanh, kêu gọi đầu tư...
Trước đó, các dịch vụ tick xanh Facebook từng có thời điểm báo giá lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi Facebook bắt đầu thử nghiệm việc "cho thuê” tick xanh theo tháng tại nhiều nước khiến mức giá các dịch vụ này giảm xuống đáng kể.
Trần Trung (SN 1984, ngụ Q11), chủ một công ty nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ Facebook, cho biết: "Do có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, nhưng không phải ai cũng rành về công nghệ nên các dịch vụ Facebook vẫn làm ăn rất tốt ở Việt Nam. Dù giá dịch vụ tick xanh đã giảm đáng kể, nhưng nhu cầu vẫn rất lớn và không gian để các đối tượng lừa đảo hoạt động vẫn còn rất nhiều". Theo Trung, việc phải có hơn 10.000 lượt theo dõi, được báo chí đề cập... khiến nhiều người có nhu cầu gặp khó khăn trong việc sở hữu dấu xác nhận tài khoản. Điều này dẫn đến việc hầu hết phải sử dụng dịch vụ và bị lừa. "Đừng tin những đơn vị quảng cáo "nổ", tự giới thiệu có liên kết với Facebook. Hiện tick xanh chỉ cấp cho những trang thực sự có sức ảnh hưởng. Nếu thực sự có bên nào làm được thì sau vài tháng cũng bị Facebook rút lại thôi". Nói rồi, Trung dùng điện thoại tìm ra hàng loạt những website có dấu hiệu lừa đảo khi giới thiệu cung cấp dịch vụ tick xanh giá rẻ, đôi khi chỉ vài trăm ngàn đồng.
Vào vai một người đang có nhu cầu "gắn" tick xanh tài khoản Facebook, phóng viên đã liên hệ với một "agency" tên H. và được tư vấn rất nhiệt tình. Nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty này cho biết, dịch vụ làm tích xanh hiện có giá 1,2 triệu đồng, tuy nhiên do cuối năm nên giá hiện giảm chỉ còn 1 nửa. "Bên em bao trọn gói từ đầu đến cuối để Facebook anh đủ tiêu chuẩn được cấp tick xanh, gồm số người theo dõi, được các trang báo chí uy tín đưa tin...". Tuy nhiên qua tìm hiểu, đây là đơn vị cung cấp dịch vụ bị "bóc phốt" nhiều trên mạng xã hội khi nhận tiền và liên tục cù cưa, than khó mà không làm được tick xanh trong 1 - 2 ngày như đã giới thiệu.
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội
Trước đó vào ngày 28/11, tại Hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2024, định hướng thúc đẩy phát triển lĩnh vực năm 2025, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền thình và Thông tin điện tử (PTTH & TTĐT), cho biết một số điểm mới trong Nghị định số 147/2024, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Theo đó, kể từ ngày 25/12/2024, các nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm phải gắn biểu tượng đã xác thực đối với trang, kênh mạng xã hội của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người nổi tiếng. Đây là một biện pháp hữu hiệu để chống lừa đảo trực tuyến, vốn đang diễn ra rất phức tạp hiện nay.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 (Nghị định) được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet và kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Theo Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, nếu như trước đây các cơ quan, doanh nghiệp hay người nổi tiếng, đều phải rất khó khăn, vất vả mới có được "tích xanh" trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, để khẳng định đó là trang Fanpage của mình, thì nay, đó là trách nhiệm xác nhận của các mạng xã hội. Khi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được xác nhận trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo, mạo danh, ẩn danh sẽ hết cơ hội tung thông tin giả mạo, lừa gạt người dùng.
Ngoài ra, nghị định 147 còn quy định việc bắt buộc người dùng phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động, nhằm đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Quy định này bước đầu đã được nhiều người ủng hộ bởi có thể giảm thiểu lượng tài khoản ảo trên các nền tảng, là giải pháp giúp ngăn chặn vi phạm trên không gian mạng. Ngoài ra, việc xác minh bằng số điện thoại cũng khiến các nhà sáng tạo nội dung, quảng cáo, bán hàng livestream có trách nhiệm hơn với nội dung mình chia sẻ đến cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT cho biết, trong 3 hình thức xác thực người dùng mạng xã hội phổ biến hiện nay (qua email, số ĐTDĐ và số CMT/CCCD), phổ biến nhất là xác thực bằng email và số điện thoại. Theo bà Huyền, việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Bà Huyền nhấn mạnh, mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng nên với việc định danh, người dùng sẽ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng. Không chỉ vậy, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.
Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội vào ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay đã có quy định phạt 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "bóc phốt", nói xấu nhau và phát tán thông tin sai sự thật. Bộ trưởng cho biết, hiện nay mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội vẫn chưa rõ. "Các quốc gia khác phạt rất nặng, thậm chí lên tới cả triệu USD. Họ quy định cả trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội có thể phải đi tù theo pháp luật Singapore" - Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết, tới đây sẽ tính toán quy định xử lý nhà mạng.
Theo Kỳ Anh (Công An TP HCM)