Theo South China Morning Post, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã xây dựng tổng cộng 150 nhà vệ sinh công cộng thông minh trên khắp địa bàn thành phố. Đáng chú ý, những nhà vệ sinh công cộng này đều ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để quản lý, đơn cử như hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Được biết, mỗi phòng vệ sinh sẽ được trang bị một cảm biến cơ thể người, sử dụng tia hồng ngoại và siêu âm để phát hiện người bên trong và kiểm tra xem họ đã ngồi ở đó bao lâu, theo một tài liệu được chính quyền thành phố công bố.
Các cảm biến cũng giám sát chất lượng không khí bên trong phòng vệ sinh và tính năng tiết kiệm nước sẽ điều chỉnh mực nước dựa trên thời gian sử dụng. Nếu trí tuệ nhân tạo phát hiện bạn đã ‘giải quyết nỗi buồn’ quá 15 phút, một cảnh báo sẽ được hệ thống gửi tới các công nhân vệ sinh, vốn sẽ có mặt để kiểm tra bạn ngay sau đó.
Việc giới hạn thời gian sử dụng nhà vệ sinh nhằm tránh tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi quá lâu nếu muốn sử dụng toilet công cộng, khi một số người vô ý thức đã 'ngồi đồng' hàng tiếng đồng hồ trong đó.
Được biết, những nhà vệ sinh kiểu mới này là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ứng dụng AI vào mọi mặt của đời sống thường ngày, đơn cử như thùng rác thông minh hay đèn tín hiệu giao thông được hỗ trợ bởi AI.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng nó khá OK. Tất nhiên việc đọc một cuốn tiểu thuyết trong toilet cũng không phải một ý hay", Frank Lin, một công dân 22 tuổi sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải trả lời tờ SCMP khi được hỏi về hệ thống nhà vệ sinh thông minh.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hào hứng về các trang thiết bị mới được trang bị trong toilet.
"Điều này có thể khiến tôi cảm thấy bối rối", một người dân Thượng Hải từ chối cho biết tên trả lời SCMP. "Kể từ khi còn bé, tôi đã quen với việc bỏ ra tới nửa tiếng ngồi trong toilet. Nó cũng cũng đồng nghĩa những nhân viên dọn toilet sẽ kiểm tra tôi tới 2 lần. Tôi cảm thấy lo lắng vì điều này".
Không chỉ riêng Thượng Hải, một số thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến cũng đang có kế hoạch triển khai các nhà vệ sinh công cộng thông minh. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan hồi đầu năm nay, hơn 700 thành phố ở Trung Quốc đã đề xuất hoặc đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh.
Vào năm 2019, quy mô thị trường của các thành phố thông minh của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ và được dự đoán sẽ đạt 25 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.
Trên thực tế, công nghệ đang len lỏi vào mọi mặt của đời sống, từ đảm bảo an ninh tại sân bay, phòng chống tội phạm cho tới phân loại rác tại Trung Quốc. Ở 'thủ phủ công nghệ' Thâm Quyến, những người đi bộ dưới lòng đường đã bị công khai danh tính bởi các hệ thống nhận dạng khuôn mặt được thí điểm ở thành phố này.
Gần đây nhất, Thâm Quyến cũng đã thử nghiệm công nghệ thanh toán nhận dạng khuôn mặt trong tàu điện ngầm với hệ thống bán vé thử nghiệm được lắp đặt vào tháng 3 vừa qua. Thay vì sử dụng tiền mặt hoặc quét mã QR trên điện thoại di động để thanh toán tiền vé, người dùng có thể được quét khuôn mặt và tiền vé sẽ được khấu trừ từ tài khoản đã đăng ký.
Công nghệ này đã được phát triển bởi nhà điều hành tàu điện ngầm và gã khổng lồ internet Tencent. Các thành phố khác như Tế Nam, Thượng Hải, Thanh Đảo, Nam Kinh và Nam Ninh cũng đang thử nghiệm hệ thống tương tự.
Theo Anh Việt (Trí Thức Trẻ)