Theo Android Authority, có thể nói, 2017 không phải là năm của những sự cách tân trên các thiết bị di động. Nó tạo cho chúng ta cảm giác như ngành công nghiệp quyết định tạm nghỉ, không đưa ra những tính năng mới nữa, khi hầu hết các công ty chỉ mang lại cho người dùng những gì vốn đã tồn tại sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, có ba xu hướng rất thú vị đã được khởi xướng và thu hút nhiều sự chú ý hơn trong năm nay, mang lại trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho người dùng và chắc chắn chúng ta sẽ còn thấy chúng xuất hiện nhiều hơn trong năm 2018.
Màn hình tỉ lệ 18:9, viền siêu mỏng
Đại đa số các smartphone trên thị trường hiện nay đều có màn hình hiển thị với tỉ lệ 16:9. Đây là tỉ lệ tiêu chuẩn cho các TV màn hình lớn và màn hình trong rạp chiếu phim, nên việc điện thoại sử dụng tỉ lệ này cũng không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến sự nhảy vọt của số smartphone chuyển sang tỉ lệ 18:9.
LG G6 là chiếc điện thoại đã khởi xướng trào lưu này, với màn hình 5,7-inch QHD+ (độ phân giải 2880x1440) theo tỉ lệ 18:9. Thiết kế mới này được LG gọi là FullVision, giúp chiếc G6 nhỏ hơn một chút so với chiếc V20 dù cả hai đều sử dụng màn hình 5,7-inch.
Sức hút của màn hình 18:9 trở nên mạnh mẽ hơn nhiều chỉ vài tuần sau ngày ra mắt của LG G6, khi Samsung ra mắt bộ đôi Galaxy S8 và S8 Plus. Cả hai chiếc điện thoại đều sử dụng màn hình theo tỉ lệ mới (thực tế là 18,5:9) và Samsung đã dùng nó làm điểm mạnh để thu hút khách hàng. "Màn hình vô cực" cho phép Galaxy S8 và S8 Plus có viền màn hình rất nhỏ, đồng thời gia tăng diện tích màn hình sử dụng. Kể từ ngày LG và Samsung tung ra các sản phẩm mới của mình, chúng ta đã thấy nhiều chiếc điện thoại khác cũng đi theo con đường này, tiêu biểu như Galaxy Note 8, LG V30, OnePlus 5T,...
Ngay cả Google cũng đón nhận xu hướng này, áp dụng nó lên màn hình 6-inch của Pixel 2 XL. Apple cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi với chiếc điện thoại gần như không có viền màn hình là iPhone X. Sản phẩm được trang bị màn hình AMOLED 5,8-inch với tỉ lệ 19,5:9.
Tuy nhiên, màn hình 18:9 vẫn có một vài vấn đề khi xem các nội dung trực tuyến. Dù các nội dung phù hợp với định dạng mới đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, tỉ lệ khung hình chuẩn vẫn là 16:9. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều nội dung sẽ phải giãn ra để vừa với màn hình, hoặc sử dụng viền đen để ngăn không cho hình ảnh bị méo. Dù vậy, có vẻ như đây chỉ là vấn đề nhỏ vì sự chấp thuận của cộng đồng với tỉ lệ 18:9 đang ngày càng lớn. Xu thế mới này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục được mở rộng trong năm 2018, với sự xuất hiện ở các sản phẩm tầm trung và giá rẻ. Màn hình to thì ai cũng thích, và nếu nó không thực sự ảnh hưởng đến kích thước của chiếc điện thoại thì sẽ còn tuyệt vời hơn rất nhiều.
Màn hình 120Hz – đồ họa tốt hơn
Đây cũng là một xu thế thu hút được nhiều sự quan tâm trong năm 2017, nhưng độ phổ biến ít hơn rất nhiều so với tỉ lệ 18:9. Chiếc điện thoại của hãng sản xuất gaming-gear nổi tiếng Razer, có tên gọi Razer Phone, được tung ra thị trường vào đầu tháng 11 năm nay có lẽ là sản phẩm có màn hình 120Hz được biết đến nhiều nhất. Một vài chiếc điện thoại của thương hiệu Sharp (chủ yếu chỉ được bán ở Nhật Bản) cũng được trang bị màn hình 120Hz.
Tại sao nó lại quan trọng? Tốc độ làm tươi (refresh rate) của một màn hình là số lần trên 1 giây tín hiệu hiển thị trên màn hình làm mới lại các hình ảnh. Trên lý thuyết, nếu màn hình của bạn có tốc độ làm tươi càng cao, hình ảnh sẽ càng mượt và rõ, ngay với những thao tác vuốt hay cuộn trang thông thường. Razer kết hợp tốc độ làm tươi cao hơn (thông thường trên điện thoại là 60Hz) với một công nghệ do chính công ty phát triển có tên Ultra Motion, thứ đồng bộ với GPU của điện thoại để thay đổi tốc độ làm tươi phụ thuộc vào nhu cầu của những ứng dụng đang chạy. Điều này giúp duy trì tốc độ làm tươi tối ưu khi bạn chơi game trên điện thoại, mang lại hình ảnh mượt mà hơn rất nhiều mà không bị "rách hình".
Trong năm 2018, chúng ta sẽ thấy nhiều điện thoại hỗ trợ các trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tốt hơn, chưa kể những bộ kính VR độc lập với phần cứng tích hợp, không còn phụ thuộc vào điện thoại. Với tốc độ làm tươi cao hơn, các ứng dụng VR và AR sẽ trông đẹp hơn, đồng thời cải thiện độ trễ khi sử dụng. Razer Phone nhiều khả năng sẽ khiến các nhà sản xuất điện thoại tung ra những sản phẩm mới chuyên về gaming và VR với màn hình có tốc độ làm tươi tương tự.
eSIM – tạm biệt thẻ SIM truyền thống
Dù thiết bị của bạn có hiện đại đến đâu, bạn vẫn cần phải có một thẻ SIM bên trong nếu như bạn muốn dùng nó như một chiếc điện thoại bình thường. Nếu như bạn mua một chiếc điện thoại mới, hoặc tặng một chiếc điện thoại cũ cho người thân, người đó vẫn sẽ phải mua một thẻ SIM khác để sử dụng. Trong năm 2017, chúng ta đã thấy những hình ảnh đầu tiên của một cách thức mới, với hy vọng có thể loại bỏ hoàn toàn công nghệ cũ kĩ này.
Google Pixel 2 và Pixel 2 XL là những chiếc điện thoại đầu tiên được ra mắt với công nghệ eSIM mới. Cả hai thiết bị đều có một thẻ SIM được tích hợp bên trong và được thiết kế để không thể tháo bỏ được. Ưu điểm của công nghệ mới này là bạn có thể chuyển nhà mạng chỉ với một ứng dụng phần mềm và một vài lần nhấn trên màn hình. Công nghệ này sẽ không chỉ hữu ích cho những người mua hay tặng điện thoại cũ cho bạn bè, mà còn cho những du khách quốc tế, những người sẽ không cần phải mua thêm thẻ SIM để thực hiện cuộc gọi và kết nối dữ liệu di động ở các quốc gia khác nữa.
Ở thời điểm hiện tại, eSIM chỉ có sẵn cho chủ sở hữu Pixel 2 và Pixel 2 XL nếu họ đăng ký Project Fi của Google. Tuy nhiên, việc Google hỗ trợ eSIM cho flagship Android mới nhất của mình cũng có nghĩa là công ty đang khuyến khích cả các nhà sản xuất điện thoại lẫn các nhà cung cấp dịch vụ không dây hỗ trợ eSIM trong các thiết bị trong tương lai. Những điện thoại hỗ trợ cả Nano SIM và eSIM nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2018, và hi vọng rằng một ngày nào đó các nhà sản xuất điện thoại sẽ loại bỏ hoàn toàn thẻ SIM vật lý.
Lời kết: Năm 2017 không phải là năm của sự đổi mới, nhưng các nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu xúc tiến việc biến màn hình trở nên to hơn và tốt hơn, cùng với những nỗ lực đầu tiên trong quá trình loại bỏ những công nghệ đã lạc hậu. Hi vọng rằng, trong năm 2018, chúng ta sẽ không chỉ thấy được sự nở rộ của những xu hướng trên, mà còn cả những đột phá mới, nâng trải nghiệm người dùng lên những tầm cao mới.
Theo Văn Hoàn (Vnreview.vn)