Thông tin với ICTnews, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, đối tác quốc tế đã xác nhận đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG). Toàn bộ lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế hướng HongKong (Trung Quốc) và Nhật Bản đã lên trở lại.
Như vậy, sau 30 ngày gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến, đến nay tuyến cáp biển APG đã khôi phục hoàn toàn, trở lại hoạt động bình thường. Cáp APG gặp sự cố vào ngày 29/10 trên phân đoạn S3, gây mất kết nối từ Việt Nam đi Nhật, Mỹ trên tuyến cáp.
Là tuyến cáp quang biển quốc tế được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, tuyến cáp APG có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác, sử dụng các tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1). Băng thông kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển, do đó việc 1-2 tuyến cáp biển gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng Internet Việt Nam.
Thực tế, trong 3 tháng trở lại đây, ngoài cáp APG, còn có 2 tuyến cáp biển khác cũng đã gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các nhà mạng đến người dùng Internet Việt Nam, đó là các tuyến AAG và AAE-1.
Như ICTnews đã thông tin, trong tuần đầu tháng 9, tuyến cáp quang biển AAE-1 bị lỗi trên 2 đoạn cùng trên nhánh cáp S1H - đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Ngày 20/11, đơn vị quản lý tuyến cáp đã điều tàu cáp và sửa chữa xong lỗi trên phân đoạn S1H.3 của cáp AAE-1, tạm thời khôi phục dịch vụ trên tuyến này. Và đến 22h10 ngày 25/11, việc khắc phục sự cố trên phân đoạn S1H.4 của cáp AAE-1 cũng đã được hoàn thành, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch dự kiến được đối tác quốc tế thông báo trước đó.
Với cáp AAG, tuyến cáp quang biển này gặp sự cố từ tối ngày 22/10, gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên cáp AAG. Đối tác quốc tế đã lên lịch sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15/12/2021.
Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, đứt cáp biển là sự cố bất khả kháng, đưa đến thách thức không nhỏ với các nhà mạng, song đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp viễn thông tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị giai đoạn phát triển hậu đại dịch.
Để ứng phó với tình huống 1 hay nhiều tuyến cáp biển cùng gặp sự cố, các doanh nghiệp viễn thông đã và sẽ phải tự cân đối, lựa chọn các giải pháp đảm bảo cam kết chất lượng dịch vụ với khách hàng, hài hòa giữa việc thu hút khách hàng với duy trì hoạt động và tăng trưởng của doanh nghiệp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.
“Thời gian qua, khi ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp viễn thông đã có những hỗ trợ lớn cho khách hàng, người dân như gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ; với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước…”, đại diện VNNIC cho hay.
Theo Vân Anh (Ictnews.vn)