Vài ngày trước đây, chiếc flagship Mi 11 của Xiaomi đã được ra mắt với một thay đổi đáng chú ý. Chiếc smartphone này sẽ đến tay người dùng mà không có củ sạc bán kèm trong hộp. Điều này đã từng được CEO Lei Jun của Xiaomi xác nhận 2 ngày trước khi chính thức ra mắt thiết bị này.
Cũng tương tự như quyết định loại bỏ củ sạc tặng kèm trong hộp iPhone của Apple, CEO Xiaomi cũng cho biết, quyết định của họ là nhằm bảo vệ môi trường khi các loại sạc USB-C đã trở nên phổ biến trên thị trường.
Thế nhưng Xiaomi lại có một quyết định rất đáng khen khác là họ sẵn sàng tặng kèm miễn phí củ sạc cho người dùng nếu họ thật sự cần. Điều này có nghĩa là cho dù bên cạnh phiên bản Mi 11 với hộp đựng không có củ sạc, người dùng có thể lựa chọn phiên bản Mi 11 được tặng kèm củ sạc 55W mà không mất thêm chi phí nào.
Nếu có cuộc bình chọn về cách thức bảo vệ môi trường giữa Xiaomi và Apple, chắc hẳn người chiến thắng sẽ là nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vì quyết định trên của họ. Bảo vệ môi trường là điều đúng đắn và đúng là việc bỏ củ sạc tặng kèm là một trong các yếu tố tác động đến điều đó. Nhưng việc loại bỏ nó khỏi hộp đựng hay không phải do người dùng quyết định, và quan trọng hơn cả là không ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
Một hãng lớn khác cũng có các quyết định bảo vệ môi trường hướng tới người dùng là Starbucks. Với cam kết giảm rác thải nhựa, bắt đầu từ năm 2020, Starbucks sẽ loại bỏ ống hút nhựa ra khỏi các cửa hàng của mình và chuyển sang sử dụng ống hút giấy - dĩ nhiên là chúng vẫn được cấp cho người dùng miễn phí dù có chi phí cao hơn. Hơn nữa, đối với người dùng cầm theo bình nước cá nhân của mình, họ còn được giảm giá thêm 10.000 VNĐ mỗi ly.
Điều này cũng tương tự như nhiều giải pháp bảo vệ môi trường quan trọng khác hiện nay, như sử dụng điện mặt trời hay điện gió, loại bỏ túi nilon bằng nhựa không tái chế,… Tất cả đều phải được thực hiện theo cách không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
Trong khi đó, không giống với quyết định của Xiaomi hay hầu hết các giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay, khó có thể nói quyết định loại bỏ củ sạc tặng kèm của Apple thực sự hướng tới bảo vệ môi trường hay trải nghiệm người dùng.
Người dùng chẳng hề có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm mua một củ sạc mới nếu chưa có sẵn. Không những thế, đối với người dùng iPhone 12, dây sạc tặng kèm trong hộp lại là loại USB-C to Lightning, nghĩa là chúng không hề tương thích với các củ sạc cũ trước đây của Apple. Còn nếu dùng lại các bộ cáp sạc cũ để sạc cho iPhone 12, người dùng sẽ chỉ nhận được tốc độ sạc chậm mà thôi.
Do vậy, nếu muốn tận dụng được trải nghiệm sạc nhanh trên iPhone 12, người dùng sẽ buộc phải mua thêm củ sạc USB-C tương thích từ Apple hoặc các nhà sản xuất bên thứ ba khác và vứt bỏ bộ cáp sạc cũ. Cuối cùng điều này sẽ lại làm gia tăng ô nhiễm môi trường đến từ các bộ cáp sạc cũ không dùng đến hoặc các vỏ bao bì đựng củ sạc được mua riêng lẻ.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Xiaomi khi củ sạc tặng kèm với Mi 11 của họ lại là củ sạc nhanh GaN 55W - một trong những loại sạc có công suất lớn nhất hiện nay dành cho thiết bị di động. Tốc độ sạc nhanh của nó còn nhanh hơn cả củ sạc nhanh 20W mà Apple đang bán cho người dùng.
Có lẽ cũng tương tự như những "gương xấu" trước đây mà Apple là người khởi xướng, việc iPhone loại bỏ củ sạc tặng kèm sẽ kéo theo nhiều hãng Android khác, bên cạnh Xiaomi, học tập trong thời gian tới. Nhưng ít nhất các hãng này nên học tập theo Xiaomi nếu họ muốn làm điều đó một cách đúng đắn nhất - thực sự bảo vệ môi trường và trải nghiệm người dùng.
Theo NGUYỄN HẢI (Pháp luật & Bạn đọc)