Trong một hồ sơ công bố ngày 27/10, công ty này cho biết nguồn tiền mặt dự trữ sẽ có nguy cơ cạn kiệt vào cuối năm nay hoặc sớm hơn. Tình hình hiện tại khiến Core Scientific không thể thanh toán đúng hạn vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 cho các chủ nợ và có nguy cơ bị kiện.
Công ty cho biết đang thuê các công ty luật như Weil, Gotshal & Manges LLP làm cố vấn pháp lý và PJT Partners LP làm cố vấn tài chính nhằm tìm kiếm những hướng đi khác để huy động thêm vốn. Nếu giải pháp huy động vốn không thành công, Core Scientific có thể sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Sự sụt giảm giá Bitcoin được cho là một trong những nguyên nhân đẩy Core Scientific đến bờ vực vỡ nợ. Suốt thời gian vừa qua, tình trạng suy thoái của ngành công nghiệp Bitcoin khiến nhiều công ty khai thác chật vật gồng lỗ khi chi phí điện cao và giá Bitcoin giảm mạnh.
Compute North - một công ty khai thác Bitcoin khác tại Mỹ cũng vừa nộp đơn phá sản vào cuối tháng 9, với khoản nợ ước tính 500 triệu USD. Vào tháng 7, đơn vị khai thác tiền mã hóa của Celsius Network, dù có kế hoạch tổ chức phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhưng rồi cũng phải nộp đơn theo Chương 11 của bộ luật Phá sản Mỹ.
Việc hàng loạt cơ sở khai thác Bitcoin phá sản hoặc đứng trước bờ vực vỡ nợ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền mã hóa nói chung. Bitcoin chạm mức cao nhất mọi thời đại gần 70.000 USD vào tháng 11.2021. Nhưng sau đỉnh cao đó, đồng mã hóa lớn nhất thế giới bắt đầu tụt dốc không phanh và hiện quanh quẩn ở mức 20.000 USD, khiến các thợ đào phải chật vật để hòa vốn.
Theo Như Khánh (Saostar.vn)