Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) ở thành phố Daejon, phía Tây Nam Seoul đang phát triển một loại mực xăm điện tử đặc biệt, làm từ kim loại lỏng và ống nano carbon có chức năng như một điện cực sinh học.
Khi kết nối với điện tâm đồ (ECG) hoặc các cảm biến sinh học, loại mực điện tử này có thể gửi kết quả đo nhịp tim của bệnh nhân, cũng như các dữ liệu quan trọng khác như đường glucose và acid lactic hiển thị ra ngoài màn hình.
Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này mà không cần kết nối tới các cảm biến sinh học khác.
“Trong tương lai, chúng tôi hi vọng có thể kết nối loại mực này với một vi xử lý không dây để tạo ra kênh giao tiếp, gửi thông tin qua lại giữa cơ thể và thiết bị ngoại vi”, Steve Park, trưởng dự án cho biết.
Trên lý thuyết, các màn hình theo dõi có thể đặt ở bất kỳ đâu, kể cả ở trong nhà bệnh nhân.
Loại mực sử dụng có tính năng không xâm lấn, được làm từ các hạt dựa trên gallium, một kim loại mềm, màu bạc cũng được sử dụng trong chất bán dẫn hoặc nhiệt kế. Trong khi đó, các ống nano carbon được mạ bạch kim giúp dẫn điện và nâng cao độ bền.
“Khi được thoa lên da, ngay cả khi chà sát mạnh, mực cũng không bị bong ra, khác với việc sử dụng kim loại lỏng”, Park chia sẻ.
Theo Vinh Ngô (VietNamNet)