Video ngắn hay “short form video” là thuật ngữ dùng để chỉ các đoạn video có nội dung được gói gọn trong vòng 1 phút. Dù mới nổi lên khoảng vài năm trở lại đây, các đoạn video ngắn đã có một lịch sử lâu dài. Chúng xuất hiện từ những năm 2013 trên Vine - một nền tảng mạng xã hội mà ngày nay không còn tồn tại.
Theo thống kê của Sprout Social, một nửa số người dùng mạng xã hội thích video hơn các loại nội dung khác. Độ dài của nội dung cũng rất quan trọng. Trong mắt người xem, các video dạng ngắn hấp dẫn hơn 2,5 lần so với video dạng dài. Điều này dẫn tới một thực tế là video dạng ngắn đã trở thành loại hình truyền thông xã hội hấp dẫn nhất với 66% người dùng mạng trong năm 2022, vọt lên hẳn so với con số thống kê chỉ 50% trong 2 năm trước đó.
Số liệu của Sprout Social cũng cho thấy, sức hấp dẫn của video ngắn hiện xếp thứ nhất, vượt qua các thể loại nội dung khác như hình ảnh, video trực tuyến, ảnh động, nội dung text truyền thống. Trong khi đó, video dài (long-form video) xếp thứ 7 về mức độ yêu thích với chỉ 24% người được hỏi quan tâm.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), khi lượng thông tin ngày càng nhiều và trở nên bão hoà, khả năng chú ý của người dùng ngày càng giảm. Người xem vì vậy có xu hướng lựa chọn nội dung ngắn, sinh động để tiếp cận.
Đây cũng là lý do các video dạng ngắn như TikTok đang được ưa chuộng và dễ dàng tạo trend (xu hướng) hơn dạng video dài trên YouTube và văn bản, hình ảnh trên Facebook. Để theo kịp thị hiếu, Facebook và YouTube cũng lần lượt cho ra đời Facebook Reels, YouTube Shorts, tính năng giúp người dùng sản xuất và chia sẻ các đoạn video ngắn.
Thực tế cho thấy, những tác hại của trào lưu video ngắn ngày càng lớn khi nhiều vấn đề tồn tại về khả năng kiểm soát nội dung của TikTok đã được chỉ ra. Người dùng mạng đang phải chứng kiến ngày càng nhiều những video có nội dung tục tĩu về tình dục, xuất hiện nhan nhản dưới dạng các video ngắn. Mới đây, hình tượng chú bé loắt choắt trong bài thơ Lượm của Tố Hữu cũng đã bị xuyên tạc với những ca từ nhảm nhí nhưng lại nhanh chóng trở thành một trào lưu thu hút cộng đồng mạng.
Không chỉ TikTok, trên các nền tảng mạng xã hội khác như YouTube, Facebook, các nội dung xấu độc thuộc đủ các chủ đề cũng được lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt.
Ông Vũ Xuân Sơn, nghiên cứu viên cao cấp của chương trình Truyền thông và Ngôn ngữ (WASP Media & Language) tại Đại học Umeå (Thụy Điển) cho hay, các mạng xã hội như TikTok, Facebook đều sử dụng thuật toán với mục đích nhằm tăng tính tương tác của người dùng trên nền tảng.
Điều này sẽ làm nảy sinh vấn đề là nếu các bạn trẻ xem các video về giáo dục, sách, hay các công nghệ, tri thức mới, nó sẽ tạo ra xu hướng đi lên về mặt nhận thức. Ở chiều ngược lại, nếu không biết dùng mạng xã hội đúng cách, các nội dung xấu độc trên đó sẽ khiến cả xã hội đi giật lùi.
“Giới trẻ là mầm non tương lai của đất nước. Nếu các em liên tục bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu thì những video đó cũng sẽ góp phần ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước”, ông Sơn nói.
Theo chuyên gia Vũ Xuân Sơn, trào lưu video ngắn hiện nay rất có hại vì nó làm trẻ em mất đi khả năng tư duy, mất sự tập trung, chỉ muốn làm mọi thứ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, khi xem các video ngắn, những nội dung này ngày càng tăng lên, từ trào lưu vui này chuyển sang trào lưu khác và rất dễ hình thành nên các trào lưu độc hại.
Trước thực trạng trên, theo chuyên gia Vũ Xuân Sơn, chúng ta cần phải có các hành lang pháp lý để làm sao tăng cường vấn đề đạo đức công nghệ. Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh cũng cần tự trang bị kiến thức cho bản thân và cả con trẻ, để từ đó tránh bị tác động xấu bởi sự nổi lên của trào lưu video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)