George có hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên nghiên cứu sự sụp đổ của các công ty nổi tiếng, khẳng định người sáng lập Facebook đã "lạc lối” và ông đang nhận thấy những điểm tương đồng nổi bật của Zuckerberg và Meta ngày nay với những hình mẫu thất bại trong quá khứ.
Hay đổ lỗi
Chuyên gia Harvard nói rằng Zuckerberg là mẫu ông chủ hay biện minh, không sẵn lòng học hỏi từ thất bại và luôn đổ trách nhiệm cho những người khác.
Tháng 2, Meta mất hơn 232 tỷ USD vốn hoá chỉ trong 1 ngày. Zuckerberg cùng bộ sậu của mình đã đổ lỗi cho nhiều yếu tố, chẳng hạn như việc Apple thay đổi chính sách riêng tư vào năm 2021, hay việc gặp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ TikTok.
Tất nhiên, các yếu tố đó có tác động tới công ty, nhưng cũng phải kể đến khoản đầu tư “nặng tay” vào nghiên cứu và phát triển vũ trụ ảo (metaverse). Chỉ riêng trong năm 2021, bộ phận thực tế ảo của Meta đã tiêu tốn 10 tỷ USD, và tiếp tục âm thêm 2,8 tỷ USD vào quý II/2022.
Không lắng nghe
George cho hay CEO Facebook đã trở thành một người cô độc, luôn tránh xây dựng mối quan hệ thân thiết và đẩy người khác ra xa. Điều này có nghĩa họ không chấp nhận sự giúp đỡ, lời khuyên can, từ đó dễ dẫn đến sai lầm.
Zuckerberg tự tay xây lên đế chế hàng trăm tỷ USD, nhưng ít ra, vào những ngày đầu anh ta còn lắng nghe theo lời khuyên từ các cố vấn đáng tin cậy của mình.
Ví dụ, Roger McNamee, người đồng sáng lập Elevation Partners và là nhà đầu tư ban đầu vào Facebook. Năm 2006, McNamee khuyên Zuckerberg từ chối lời đề nghị mua lại công ty mạng xã hội với giá 1 tỷ USD của Yahoo. Sau đó, chính ông là người khuyến khích vị tỷ phú trẻ thuê Sheryl Sandberg về làm giám đốc vận hành.
Cả 2 lần, Zuckerberg đều nghe theo lời khuyên và các quyết định đã cho thấy sự thành công. Tuy nhiên, khi Meta phát triển và lớn mạnh, CEO Facebook đã ngừng lắng nghe theo ý kiến người khác.
Ưu tiên tăng trưởng hơn người dùng
Cuối cùng, Zuckerberg là một người luôn tìm kiếm vinh quang, đặt danh tiếng và tài sản lên trên tất cả những thứ khác. Hình mẫu này không bao giờ hài lòng với những gì đang có và sẵn sàng làm nhiều việc cực đoan để đạt mục đích.
CEO Facebook đã chấp nhận đánh đổi hàng tỷ người dùng trên nền tảng cho lợi nhuận và tăng trưởng, khi liên tiếp vướng vào tranh cãi về quyền riêng tư và sức khoẻ của khách hàng.
Năm ngoái, WSJ đưa tin nền tảng Instagram do Meta sở hữu đang góp phần tạo ra những vấn đề sức khoẻ tâm thần cho người dùng, đặc biệt là trẻ em nữ. Các tài liệu nội bộ cho thấy ban lãnh đạo công ty đã chủ động bỏ qua những lo ngại để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)