Trong nhiều năm gần đây, cộng đồng người dùng smartphone và mạng xã hội có một tin đồn hết sức kỳ lạ và... kinh dị. Đó là cảm giác về việc điện thoại đang nghe mọi thứ chúng ta nói, từng từ một dù chẳng động gì đến nó.
Rất nhiều người đã chia sẻ cùng một câu chuyện, kiểu như họ vừa trò chuyện về một sản phẩm hoặc một địa điểm. Thế rồi ngay sau đó, mạng xã hội bỗng ngập tràn quảng cáo liên quan đến câu chuyện ấy.
Tin đồn này đã làm dấy lên tranh luận rất nhiều trong giới công nghệ. Một số tỏ ra nghi ngại, số khác thì cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp.
Thực hư thế nào thì chưa rõ, chỉ biết rằng mới đây, một chuyên gia an toàn công nghệ đã lên tiếng khẳng định rằng chẳng có gì là trùng hợp ở đây cả. Bởi vì, chiếc điện thoại của bạn quả thực đã lắng nghe những gì bạn nói bấy lâu nay.
Cụ thể, tiến sĩ Peter Henway - chuyên gia bảo mật công nghệ từ công ty Asterisk cho rằng mỗi chiếc smartphone đều chứa hệ thống trợ lý ảo AI, có thể kích hoạt chỉ bằng mệnh lệnh. Điều này có nghĩa rằng chúng đang lắng nghe những gì ta nói, từng từ một, để sàng lọc ra câu lệnh thích hợp.
Henway cho biết hiện tại chưa nắm được cơ chế kích hoạt điều này. Chỉ biết, những từ ngữ ấy có thể bị ứng dụng từ bên thứ 3 khai thác - chẳng hạn như Instagram hoặc Twitter, Facebook - khi các điều khoản phù hợp được thông qua. Điều này lý giải cho việc bạn chỉ cần bàn về nhu cầu mua quần áo, các quảng cáo liên quan bỗng hiện ra một cách cực kỳ bí hiểm.
"Ngày qua ngày, các cuộc hội thoại sẽ được chuyển ngược về server của ứng dụng. Tuy nhiên, chưa rõ cơ chế kích hoạt nó là gì" - Henway chia sẻ.
"Ví dụ ứng dụng đề nghị bạn cho phép truy cập vào một số chức năng như loa thoại, định vị... bạn cho phép và sau đó chúng sẽ tự động sử dụng nó theo định kỳ."
"Tất cả công đoạn gửi dữ liệu đều được mã hóa, nên để xác định được cơ chế của nó là thực sự rất khó."
Theo Henway, các công ty như Facebook và Instagram dường như có tới cả ngàn cách để kích hoạt cơ chế thu thập dữ liệu, nhằm tối ưu hóa hiệu năng quảng cáo, hướng đến từng mục tiêu phù hợp.
Trên thực tế, Google cũng đã từng cho biết họ có cơ chế thu thập dữ liệu bằng cookie (đoạn văn bản ghi thông tin được tạo ra và lưu trên trình duyệt của máy người dùng). Đó là lý do bạn chỉ cần search một thông tin về sản phẩm trên Google, và nguyên một tuần sau đó các quảng cáo tương tự sẽ ngập tràn khắp mọi nơi.
Điều đáng nói ở đây là việc thu thập dữ liệu là hoàn toàn hợp pháp - dựa trên Luật bảo vệ dữ liệu năm 1998 tại Mỹ cho phép thông tin được thu thập và sử dụng trong quảng cáo.
Các doanh nghiệp nói gì?
Trong scandal lộ dữ liệu, Facebook đã phủ nhận hoàn toàn chuyện can thiệp vào loa thoại của smartphone để thu thập thông tin cho quảng cáo.
Whatsapp cũng vậy, họ khẳng định công ty không xâm nhập vào các cuộc hội thoại riêng tư và mọi hiện tượng chỉ là trùng hợp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng công nghệ cho phép quét qua hàng triệu cuộc hội thoại để sàng lọc các từ khóa lặp đi lặp lại đã xuất hiện rồi. Dù không thể chứng minh các công ty ứng dụng có sử dụng nó hay không, thì việc này vẫn khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an.
Theo J.D (Helino)