Huawei đang phải đối mặt với một loạt những rắc rối có thể khiến tham vọng thống lĩnh ngành công nghệ toàn cầu của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đầu tiên là Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei , sau đó đến Intel và Qualcomm cấm Huawei mua chip xử lý, và cuối cùng là ARM tuyên bố ngừng mọi hoạt động kinh doanh với hãng điện tử Trung Quốc.
Giả sử sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump – nguyên nhân dẫn đến mọi rắc rối nêu trên – không được thu hồi, Huawei sẽ phải xem xét việc tạo ra hệ điều hành và thiết kế vi xử lý của chính mình để có thể tiếp tục phát triển smartphone cũng như laptop trong tương lai. Có thông tin cho rằng hãng đã sẵn sàng và có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với tình huống xấu nhất, ít nhất là về mặt phần cứng, nhưng có vẻ như hệ điều hành mới này sẽ rất khó có thể tồn tại được tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Từ nhiều tháng gần đây, Huawei đã gọi những gì họ đang chuẩn bị là "kế hoạch B", khi mà Mỹ ngày càng gây áp lực mạnh lên công ty trước lệnh cấm vận thương mại vừa qua. Kế hoạch này bao gồm tạo ra một hệ điều hành mới thay thế cho cả hai hệ điều hành Android và Windows, vốn đã được Huawei tập trung phát triển trong nhiều năm. Richard Yu, CEO của bộ phận tiêu dùng của Huawei, tiết lộ rằng hệ điều hành thay thế sẽ sẵn sàng vào quý IV, với một phiên bản dành riêng cho thị trường nước ngoài sẽ ra mắt trong quý II/2020.
Thông tin về hệ điều hành thay thế Android và Windows của Huawei hiện vẫn rất ít ỏi, nhưng có vẻ như nó sẽ dựa trên phiên bản Android mã nguồn mở (AOSP) và sẽ bao gồm cửa hàng ứng dụng App Gallery của Huawei. App Gallery là sản phẩm Huawei phát triển nhằm thay thế cho Play Store của Google, và mọi nhà sản xuất không được cấp giấy phép sử dụng phiên bản Android của Google đều phải tạo ra một cửa hàng ứng dụng của riêng họ, hoặc tích hợp sẵn một trong số vô vàn những cửa hàng ứng dụng sẵn có khác. Huawei không lạ gì với điều này, bởi các điện thoại họ bán ra ở Trung Quốc vốn đã chạy phiên bản Android tách nhánh từ AOSP mà không có Play Store, và từ đầu năm 2018, Huawei cũng đã tích hợp ứng dụng App Gallery vào các điện thoại bán ra thị trường nước ngoài của mình.
Như chúng ta đã biết, ở những thị trường bên ngoài Trung Quốc, những mẫu điện thoại chạy các hệ điều hành thay thế cho Android, và thậm chí là cả những điện thoại chạy AOSP, đều không có kết cục tốt đẹp. Mozilla từng thử sức với Firefox OS trong nhiều năm trước khi chấp nhận thất bại vào năm 2015; Canonical phát triển Ubuntu cho di động nhưng "đứt gánh nửa đường", và Microsoft cố chen chân với một hệ điều hành di động thứ 3 mang tên Windows Phone. Ngay cả Samsung, từng là một mối đe dọa lớn đối với phiên bản Android của Google, cũng phải từ bỏ hệ điều hành Tizen trên điện thoại, chuyển nó sang smartwatch và TV. Và đừng quên những gì đã xảy ra với BlackBerry.
Tất cả những hệ điều hành di động thay thế Android kia đều thất bại vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chúng đều gặp một vấn đề: cạnh tranh với Google là điều vô cùng khó khăn. Thị phần trên thị trường tìm kiếm của Google chiếm khoảng 90% trên toàn cầu, các đối thủ khác như Bing, Yahoo, Baidu và Yandex đều có thị phần chỉ một con số. Thị phần thị trường tìm kiếm này đã giúp Google tạo ra và kiếm soát một loạt các ứng dụng như Chrome, Gmail, YouTube, Google Maps, Google Docs và nhiều dịch vụ web phổ biến khác.
Nếu bạn tạo ra một chiếc điện thoại chạy phiên bản mã nguồn mở của Android, nó mặc định sẽ không có được các ứng dụng Google chủ chốt kia. Dưới góc nhìn của một nhà sản xuất, điều đó đồng nghĩa bạn đang tạo ra một thiết bị không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ phần mềm tại châu Âu, Mỹ, và…mọi nơi khác.
Thách thức với điện thoại
Đây là thách thức mà Huawei sẽ phải đối mặt trên mảng điện thoại. Những công ty duy nhất từng suýt tạo được một hệ điều hành thay thế khả thi cho Android dùng cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc là Microsoft và Amazon. Nỗ lực của Amazon hiện chỉ xuất hiện trên tablet. Còn Microsoft, dù tạo được Windows Phone, gây ấn tượng tại nhiều quốc gia châu Âu, nhưng Android vẫn hoàn toàn thống trị. Microsoft chọn hướng đi khác Google, miễn phí giấy phép sử dụng hệ điều hành nguồn đóng của họ cho các hãng sản xuất điện thoại, trong khi phiên bản Android "miễn phí" lại đi kèm với những khoản phí bản quyền riêng và rất nhiều lựa chọn tùy biến dành cho các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng.
Microsoft tìm cách mang đến cho người tiêu dùng một hệ điều hành điện thoại không có các ứng dụng và dịch vụ của Google. Người dùng Windows Phone tạm thời phải "chia ly" với Google Maps, chứng kiến một cuộc đấu chua chát liên quan ứng dụng YouTube cho Windows Phone, và chết lặng khi Google "chơi" Microsoft bằng cách ngừng hỗ trợ Exchange ActiveSync cho Gmail trên Windows Phone. Gã khổng lồ tìm kiếm còn từ chối phát triển ứng dụng Windows, góp phần nhấn chìm những nỗ lực di động nhằm cạnh tranh với Android của Microsoft.
Amazon thành công hơn một chút, nhưng vẫn khá hạn chế. Công ty này tạo ra một cửa hàng ứng dụng Android dành cho các tablet Fire của mình, và thuyết phục được một số nhà phát triển đưa các ứng dụng phổ biến của họ lên cửa hàng này. Facebook, Spotify, Netflix, Skype, HBO Now, và nhiều ứng dụng khác đều hiện diện trên hệ điều hành của Amazon, nhưng các ứng dụng của Google vẫn bặt âm vô tín. Cửa hàng ứng dụng của Amazon vẫn thiếu nhiều ứng dụng quan trọng, và đôi khi những ứng dụng đã có cũng không được cập nhật thường xuyên và cùng thời điểm như các ứng dụng trên Play Store của Google. May thay, nhờ tận dụng kích cỡ màn hình lớn trên tablet, người dùng Fire có thể truy cập các dịch vụ của Google thông qua trình duyệt. Amazon cũng từng tung ra điện thoại Fire Phone, nhưng nhanh chóng ngừng sản xuất vì doanh số quá nghèo nàn.
Google còn kiểm soát chặt chẽ những yếu tố chủ đạo định nghĩa nên một thiết bị Android, bao gồm cả phiên bản Android mã nguồn mở mà Huawei sẽ sử dụng. Hầu hết các ứng dụng tích hợp sẵn nhằm thay thế cho các ứng dụng Gooogle như Search, Gmail, Camera, Calendar, Chrome, và thậm chí là cả ứng dụng bàn phím, đều cực kỳ cơ bản. Một loạt các hàm API như địa điểm, game, và mua sắm trong ứng dụng cũng thuộc loại độc quyền, và các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba sử dụng chúng trong các ứng dụng của họ. Điều này làm khó các nhà phát triển, bởi họ phải hỗ trợ hai phiên bản khác nhau cho ứng dụng Android của mình, không biết được liệu Amazon, Huawei hay ai đó khác có tạo được các ứng dụng thay thế đủ tốt hay không.
Google còn giúp hạn chế tình trạng phân mảnh và tách nhánh Android tại các thị trường ngoài Trung Quốc bằng cách tích hợp các ứng dụng của riêng họ kèm quyền truy cập đến Play Store, đòi hỏi các công ty sản xuất điện thoại hay tablet có kèm Play Store chỉ được sản xuất các điện thoại và tablet có kèm duy nhất một cửa hàng ứng dụng là Play Store.
Huawei đã lợi dụng việc mình là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới để gây ảnh hưởng lên tương lai của Android, nhưng Samsung cũng từng làm điều đó 5 năm trước để rồi nhận lấy kết cục là phải chấp nhận lùi bước. Google không ấn tượng lắm với những gì Samsung làm với phần mềm Android của họ hồi năm 2014, và hai bên đã phải tổ chức một loạt các cuộc họp để cuối cùng công bố một thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế chéo và một thỏa thuận nhằm định hình diện mạo tương lai của Android.
Huawei đã chuẩn bị cho một khoảnh khắc tương tự từ nhiều năm qua, và nay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ập đến, khiến mối quan hệ của công ty này với Android trở nên căng thẳng hơn. Huawei biết rõ những thách thức. Họ đã phát triển một cửa hàng ứng dụng thay thế Play Store, và nhiều thông tin cho biết vào năm ngoái, Huawei đã khuyến khích các nhà phát triển viết ứng dụng cho cửa hàng của mình với hứa hẹn sẽ giúp họ rộng đường tiến vào Trung Quốc cùng một khoản hoa hồng "rất đáng kể" trên doanh thu của cửa hàng. Trang tin Bloomberg đưa tin rằng Huawei thậm chí còn khẳng định sẽ có 50 triệu người dùng châu Âu sử dụng cửa hàng ứng dụng của hãng vào cuối năm 2018.
Những kế hoạch và thảo luận xoay quanh cửa hàng ứng dụng của Huawei được hé lộ ngay thời điểm then chốt của Android ở châu Âu. Google có thể sẽ phải đối mặt với một số đối thủ cạnh tranh sau khi bị phạt vi phạm độc quyền Android trong một vụ kiện của Ủy ban châu Âu (EC). Các cơ quan quản lý tại đây cáo buộc Google lạm dụng thế thống trị thị trường Android bằng cách tích hợp engine tìm kiếm và trình duyệt web Chrome vào Android, chặn không cho các nhà sản xuất điện thoại tạo ra những thiết bị chạy các phiên bản tách nhánh của Android, và trả tiền để các nhà sản xuất và các nhà mạng cài đặt sẵn ứng dụng tìm kiếm Google lên các thiết bị bán ra thị trường.
Kết quả, Google sẽ bắt đầu thu của các nhà sản xuất thiết bị Android một khoản phí nếu họ muốn sử dụng các ứng dụng của Google ở châu Âu. Động thái này sẽ mở cửa cho các cửa hàng ứng dụng đối thủ đặt chân lên Android của Google – một thời kỳ cạnh tranh hơn, và cũng phân mảnh hơn của Android sắp tới. Nhưng một khả năng dễ xảy ra hơn đó là các nhà sản xuất sẽ cài sẵn các ứng dụng và dịch vụ của Google (bao gồm cả Search và Chrome) vì nhờ đó, họ sẽ tránh được khoản phí nói trên.
Xét cho cùng, vẫn chưa có các ứng dụng thay thế đủ tốt cho YouTube, Google Maps, hay Google Search, và người tiêu dùng ở châu Âu sẽ chẳng bao giờ mua những chiếc điện thoại không thể truy cập đến các ứng dụng này. Các nhà sản xuất điện thoại cũng không muốn duy trì nhiều phiên bản Android khác nhau cho từng thị trường châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và các nơi khác.
Theo Minh TT (Vnreview.vn)