Chợ tiền mã hoá bất hợp pháp và 'đánh bạc' trên Binance

25/04/2023 20:59:10

Người dùng có thể dùng tiền thật mua bán thoải mái tiền mã hoá trên Binance và chọn chế độ đầu tư Chiến đấu không khác gì “đánh bạc”.

Công khai mua bán tiền mã hoá tại Việt Nam

Theo Báo cáo thị trường Crypto Việt Nam 2022, Việt Nam hiện có hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa, trong số này, có khoảng 31% sở hữu Bitcoin. Sàn giao dịch tiền mã hoá được sử dụng nhiều nhất hiện tại là Binance có trụ sở tại Dubai, sau đó có thể kể đến một số sàn từ Trung Quốc như Houbi, Okx…

Chợ tiền mã hoá bất hợp pháp và 'đánh bạc' trên Binance
Quảng bá mua bán tiền ảo bằng tiền Việt Nam Đồng của Binance gửi khách hàng. Ảnh chụp màn hình

Đáng chú ý, từ trước đến nay việc mua bán tiền mã hoá hoạt động khá “kín” ở Việt Nam, do đây là hình thức không hợp pháp. Nhưng từ khi Binance xuất hiện, hoạt động này được diễn ra công khai trên sàn giao dịch tiền mã hoá này, với tính năng Binance P2P.

Cụ thể, khi người dùng tham gia đầu tư vào giao dịch tiền mã hoá, sau khi tạo ví trên Binance, họ sẽ phải nạp các đơn vị tiền mã hoá vào để giao dịch, đa phần ban đầu sẽ mua các đồng tiền stablecoin (tiền mã hoá giúp các giá trị loại tài sản khác trong trạng thái ổn định) là USDT. Để sở hữu các tiền mã hoá này, người dùng sẽ mua qua tính năng Binance P2P do sàn giao dịch này cung cấp. 

Chẳng hạn, khi muốn mua USDT để giao dịch, người dùng sẽ lên tính năng P2P để tìm người bán. Tại đây sẽ có rất nhiều người bán với các mức giá và số lượng khác nhau được niêm yết. Khi quyết định mua USDT của một người nào đó, người dùng sẽ nhấp vào và tiến hành giao dịch. Bên bán sẽ cung cấp tài khoản ngân hàng để người dùng chuyển tiền vào. Vì tiền mã hoá không được phép giao dịch bằng tiền thật ở Việt Nam, nên người bán sẽ lách bằng cách yêu cầu người mua gõ vào nội dung giao dịch là số điện thoại, hoặc một dòng chữ nào đó được quy ước và giao dịch sẽ được tiến hành. 

Chợ tiền mã hoá bất hợp pháp và 'đánh bạc' trên Binance - 1
Chợ mua bán tiền ảo P2P trên Binance. Ảnh chụp màn hình

Phóng viên VietNamNet đã thử mua 50 USDT với mức giá 1,15 triệu đồng của một người bán tại Hà Nội. Ban đầu, do chưa biết nên khi chuyển tiền vào tài khoản người này, phóng viên đã gõ nội dung “tiền mua USDT”. Ngay lập tức, phóng viên nhận được điện thoại của người bán cho biết, như vậy là vi phạm vào quy định của ngân hàng và tài khoản ngân hàng của người bán sẽ bị khoá. Để giao dịch tiếp tục được thực hiện, người bán yêu cầu phóng viên chuyển khoản thêm 200.000 đồng để tạo tài khoản ngân hàng mới và giao dịch được thực hiện ngay sau đó.

Mặc dù mua bán tiền mã hoá là hình thức không hợp pháp ở Việt Nam, nhưng tính năng này được Binance quảng cáo rầm rộ trong nước thời gian qua. Điều này góp phần giúp Binance phát triển mạnh và thu hút giới đầu tư tiền mã hoá trong nước.

“Đánh bạc” với tính năng Chiến đấu trên Binance

Một hình thức đầu tư dạng “đánh bạc” xuất hiện trên Binance là Chiến đấu. Đây là đầu tư dạng quyền chọn nhị phân (Binary Option – BO), nhiều nước trên thế giới xem là đánh bạc và bị cấm.

Với chế độ này, người chơi sẽ chọn giá đồng tiền mã hoá lên hay xuống (thuật ngữ là Long/Short) trong một khoảng thời gian tuỳ chọn nhất định từ 30s đến 1 phút hay 5 phút. Khi thời gian phiên giao dịch kết thúc, một lựa chọn sẽ thắng và một lựa chọn sẽ thua. Nếu lựa chọn đúng bên người thắng có thể lãi lên tới 80-90% vốn đầu tư và người dự đoán thua sẽ mất toàn bộ số tiền đã bỏ vào đầu tư (đặt cược).

Tại Việt Nam, hình thức này là bất hợp pháp và bị cấm, vì cơ chế hoạt động thắng thua của nó tương tự cá cược Tài Xỉu, mang tính chất cờ bạc. Thế nhưng, Binance vẫn cung cấp dịch vụ này một cách công khai trên nền tảng của mình. 

Chợ tiền mã hoá bất hợp pháp và 'đánh bạc' trên Binance - 2
Đầu tư Chiến đấu kiểu nhị phân, hình thức đánh bạc trên Binance. Ảnh chụp màn hình

Hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá hay cấp phép cho các sàn giao dịch hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, Binance và một số sàn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoạt động rất mạnh mẽ tại Việt Nam với hình thức tổ chức các sự kiện offline, tham gia tài trợ cho các hội thảo liên quan đến Blockchain ở trong nước. Như việc Binance còn có người tự xưng là đại diện chính thức ở Việt Nam, xuất hiện rất nhiều trên truyền thông và các sự kiện của các tổ chức trong nước để quảng bá. 

Theo một chuyên gia trong ngành, số tiền bị chảy ra nước ngoài qua các sàn giao dịch tiền mã hoá quốc tế là rất lớn, mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng có thể từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, việc giao dịch được tiến hành bằng tiền mã hoá dẫn đến Nhà nước không thể quản lý, cũng như không thể thu thuế và tình trạng “rửa tiền” hoàn toàn có thể diễn ra. 

Bitcoin và tiền mã hoá không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam 

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền mã hoá không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC tới Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền mã hoá như sau:

"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư."

Theo Lê Mỹ (VietNamNet)

Nổi bật