Hồi tháng 7/2020 vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng mới đây thì Văn phòng Khoa học của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DoE) đã xác nhận rằng dự án này sẽ bị hoãn lại. Theo HPCwire, DoE không nghĩ đây sẽ là một vấn đề to lớn, và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne – cơ quan vận hành Aurora – cũng đã có kế hoạch dự phòng sẵn rồi.
Đại diện của Văn phòng Khoa học cho biết Argonne đang làm việc với Intel để khắc phục những hậu quả không chỉ đối với Argonne mà còn đối với dự án Exascale Computing Project và các đối tượng người dùng máy tính hiệu năng cao của quốc gia. Ngoài ra thì với một dự án quy mô tầm cỡ thế này, việc kế hoạch bị thay đổi cũng đã được tiên lượng rồi nên không có gì quá bất ngờ cả.
Siêu máy tính Aurora sẽ được xây dựng dựa trên vi xử lý Xeon thế hệ mới của Intel (tên mã Sapphire Rapids) sử dụng kiến trúc Golden Cove, cùng với đó là GPU đầu tiên của Intel (tên mã Ponte Vecchio) sử dụng kiến trúc Xe hiệu năng cao dành cho trung tâm dữ liệu.
Chip Sapphire Rapids được sản xuất bằng công nghệ 10nm Enhanced SuperFin của Intel, dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2021. Còn GPU Ponte Vecchio thì được thiết kế theo dạng chiplet multi-tile. Mỗi Aurora blade sẽ có 2 vi xử lý Intel Xeon Scalable “Sapphire Rapids” và 6 GPU Intel Xe-HPC “Ponte Vecchio”.
Tính đến thời điểm bài viết thì DoE đã hé lộ 3 siêu máy tính thuộc hàng exascale. Trong đó, Aurora là hệ thống đầu tiên, được công bố vào tháng 3/2019 và dự kiến sẽ có hiệu năng lên đến hơn 1 ExaFLOPS. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết khi nào thì dự án Aurora mới hoàn thành.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)