Cách đây vài năm, nhiều cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra trên các diễn đàn công nghệ khi không ít nhà sản xuất tên tuổi, trong đó có Samsung, HTC, LG và cả Sony, bị phát hiện đánh lừa các công cụ đo hiệu năng (benchmark) để nâng thứ hạng điện thoại của mình.
Năm 2013, Phó chủ tịch Phil Schiller của Apple lên Twitter tố Samsung là "kẻ bịp bợm". Cụ thể, khi chạy công cụ chấm benchmark, cả bốn nhân CPU của Galaxy Note 3 tự động tăng tốc độ tối đa là 2,3 GHz, nhờ đó nâng điểm hiệu năng của điện thoại lên 20%. Trong khi thực tế, hầu hết các nhân đều "nghỉ" khi người dùng mở ứng dụng để tránh điện thoại hoạt động quá công suất, gây nóng máy và tốn pin một cách không cần thiết.
Các chuyên gia công nghệ đã bắt tay vào tìm hiểu để rồi nhận ra rằng đâu chỉ có Samsung, mà mọi nhà sản xuất Android, trừ Google/Motorola, đều có động thái can thiệp kết quả benchmark, khiến người dùng tưởng điện thoại của họ chạy nhanh. Google không áp dụng chiêu trò này, do đó chiếc Nexus của họ thường không nằm trong nhóm đầu các thiết bị có hiệu năng cao nhất khi được đo bằng công cụ bên thứ ba.
Khi kết quả được công bố, báo chí, các chuyên gia công nghệ, người dùng đã tỏ ra giận dữ và gửi tới các nhà sản xuất thông điệp rằng: gian lận điểm số là điều không thể chấp nhận và cần chấm dứt.
Đa số các hãng đã thực hiện theo, nhưng đến năm ngoái, OnePlus bị diễn đàn XDA phát hiện vẫn cố tình dùng thủ thuật tối ưu hiệu suất chip Snapdragon 835 khi đo điểm trên các ứng dụng benchmark. Nhờ đó, nó xếp hạng gần như cao nhất trong số các smartphone chạy Snapdragon 835 nhưng trải nghiệm thực tế không được như vậy.
Tuần này, đến lượt trang AnandTech tố Huawei P20, P20 Pro, Nova 3 và Play của Honor (thương hiệu phụ thuộc Huawei) được lập trình để tối đa hiệu suất khi chạy phần mềm 3DMark. Công ty phát triển 3DMark cũng xác nhận hành vi trên và xóa bỏ dữ liệu của bốn điện thoại này. Trong khi đó, Huawei nói việc gian lận điểm hiệu năng là điều không lạ với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác.
Vì sao nhà sản xuất gian lận điểm hiệu năng
Đánh giá một thiết bị phần nhiều là cảm tính, do đó người dùng cần một thước đo để biết được thiết bị đó chạy nhanh hay chậm so với những sản phẩm khác. Vì vậy, theo chuyên gia Gary Sims của Android Authority, thật không may là vai trò của benchmark rất quan trọng. Vì thế, các hãng hoặc là nỗ lực hết mình, hoặc buộc phải sử dụng chiêu trò, để thiết bị mới ra của họ nằm trong những vị trí đầu tiên, thuận tiện cho việc quảng bá sản phẩm.
Có ba kiểu người mua smartphone. Thứ nhất là người không quan tâm gì tới cấu hình, thông số kỹ thuật hay hiệu năng. Họ nhận điện thoại vì nó nằm trong hợp đồng thuê bao với nhà mạng, hoặc do bạn bè, nhân viên bán hàng tư vấn rằng máy đó chạy tốt, giá hợp lý... Chúng ta vẫn thường hành động như vậy khi mua một thứ gì đó nằm ngoài phạm vi hiểu biết hoặc mối quan tâm của chúng ta.
Thứ hai là những người biết về công nghệ. Họ hiểu thẻ microSD dùng để làm gì, xung nhịp là gì hay độ phân giải màn hình khác nhau ra sao. Họ xác định trước mình cần gì khi mua máy và có thể sẽ tham khảo điểm hiệu năng để so sánh.
Thứ ba là những người đam mê công nghệ, thích đọc các tin tức mới nhất, các bài đánh giá, tìm hiểu kỹ các tính năng của sản phẩm mà họ quan tâm.
Với nhóm người mua thứ hai và ba, benchmark là chỉ số quan trọng giúp họ hiểu được thị trường smartphone đang thay đổi đến đâu. Vai trò của benchmark có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng đều tác động nhất định đến suy nghĩ của họ với từng thiết bị. Còn với nhóm thứ nhất, họ không quan tâm đến hiệu năng nhưng những người tư vấn cho họ lại có thể bị ảnh hưởng bởi điểm số này.
Điểm benchmark hiện được sử dụng rộng rãi trong các bài đánh giá, được coi như một trong những thước đo để so sánh các thiết bị bởi người sử dụng không thể trải nghiệm thực tế tất cả các máy để biết sản phẩm nào hơn, nhanh hơn. Tuy vậy, điểm số cao không đồng nghĩa với trải nghiệm tốt nhất. Vì thế, benchmark chỉ mang tính tham khảo và người sử dụng nên tập trung hơn vào những yếu tố khác như thiết kế, giao diện, ứng dụng, giá cả, hậu mãi...
Theo Châu An (VnExpress.net)