Ai đang "hồi sinh" cố nghệ sĩ Trung Quốc?
Gần đây Coco Lee (Lý Văn, 1975–2023), Leslie Cheung (Trương Quốc Vinh, 1956-2003), Godfrey Gao (Cao Dĩ Tường, 1984-2019), Qiao Renliang (Kiều Nhậm Lương,1987-2016) và một số cố nghệ sĩ Trung Quốc khác đã được AI "hồi sinh" trong các video trên Internet.
Nhằm tìm hiểu xem ai đang đứng sau và họ có lợi lộc gì với các video này, các phóng viên của tờ Red Star News (Hồng tinh tân văn, một kênh tin tức trực tuyến có trụ sở ở Thành Đô, Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc điều tra.
Đầu tiên khi mở bất kỳ nền tảng video nào ở Trung Quốc và tìm kiếm từ khóa "AI phục hoạt thân nhân", chúng ta sẽ có thể thấy ít nhất hàng chục tài khoản có chứa cụm từ khóa liên quan - một số còn bổ sung ghi chú về việc "nhận đệ tử" hoặc "tuyển đại lý".
Được biết một số tài khoản đã có hàng chục nghìn người theo dõi.
Một nguồn tin liên quan tới các tài khoản này đã tiết lộ với phóng viên của Red Star News rằng chúng được các đại lý hoặc nhà sản xuất sử dụng để xuất bản các video AI nhằm thu hút lưu lượng truy cập.
Tìm hiểu sâu hơn, các phóng viên phát hiện ra rằng đứng sau việc "hồi sinh" bằng AI với các cố nghệ sĩ Coco Lee, Godfrey Gao... là 1 công ty được thành lập ở Ninh Ba, Chiết Giang vào năm 2020.
"Đại lý" và "nhận đệ tử"?
Hóa ra các video nói trên chỉ là 1 trong các "mắt xích" của hệ thống kinh doanh phân cấp.
Nó bao gồm các "đại lý", cụ thể là các cá nhân chịu trách nhiệm tung video lên các nền tảng video ở Trung Quốc để quảng bá và thu hút khách hàng tiềm năng cho công ty cùng đội ngũ "đệ tử" các nhân lực chịu trách nhiệm sản xuất video và kinh doanh độc lập.
Nếu ai đó muốn trở thành đại lý của công ty, họ phải "ký quỹ" 1 lần khoản tiền 980 Nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng) sau đó sẽ được cung cấp các video để đăng tải.
Nếu một khách hàng phát sinh nhu cầu "hồi sinh" người thân sau khi xem video, "đại lý" có thể đưa ra một báo giá có các gói dịch vụ từ 198 đến 598 Nhân dân tệ hoặc hơn.
Sau khi khách hàng lựa chọn xong gói dịch vụ, họ sẽ được yêu cầu cung cấp hình ảnh, âm thanh và video liên quan tới người đã khuất để sau đó gửi lên "tuyến trên".
Lấy gói 198 Nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn đồng) làm ví dụ, khách hàng chỉ cần cung cấp ảnh của người đã khuất, sau khi AI tạo ra video, âm thanh (tiếng phổ thông Trung Quốc) sẽ được lồng thêm vào và sản phẩm/video sẽ có thời lượng 1 phút.
Ở gói 598 Nhân dân tệ (khoảng 2 triệu đồng), khách hàng cần cung cấp hình ảnh và giọng nói bằng tiếng phổ thông hoặc địa phương Trung Quốc của người đã khuất. Trong sản phẩm dài 1 phút, AI sẽ tạo sinh giọng nói đạt độ khớp khoảng 90% với cách người đã khuất nói.
Một nguồn tin khác cũng cho phóng viên biết rằng công ty nói trên mới chỉ bắt tay vào dự án này chưa đây 1 tháng và đã phát triển hàng chục "đại lý" cũng như thu được hàng trăm đơn hàng. Được biết tỉ lệ "ăn chia" giữa công ty và đại lý là 60/40.
Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là công ty nói trên vẫn có thể hưởng lợi nhuận 1 lần mà không phải tham gia các hoạt động thương mại kể trên và nó đến từ cái gọi là "đệ tử".
Mô hình này đắt hơn "đại lý", nếu ai đó muốn tham gia sẽ phải trả cho công ty gần 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 69 triệu đồng) học phí sau đó công ty sẽ tổ chức các lớp đào tại kỹ năng sử dụng AI để tạo video.
Sau khi học xong, các học viên có thể mua sắm phần cứng và phần mềm phù hợp để tự tạo video, tự nhận đơn hàng.
Được biết một số "đệ tử" đã kiếm được từ vài trăm đến hàng chục nghìn Nhân dân tệ (hàng trăm triệu đồng) nhờ "nghề tay trái" này. Một số "đại lý" đã hoàn thành hơn 20 đơn hàng trong một tuần cho biết nhu cầu rất lớn và hoạt động kinh doanh này "không có vấn đề gì" trong hai năm tới.
"Đại dương xanh"?
Được biết sau khi thân nhân của một số cố nghệ sĩ phát hiện các video này, họ (đặc biệt là thân nhân của Qiao Renliang/Kiều Nhậm Lương) đã có phản ứng dữ dội khiến công ty nói trên phải xóa video và có thể phải trả một khoản tiền bồi thường cho họ.
Các phóng viên của Red Star News đã phát hiện thêm rằng công ty đã bắt đầu chuyển hướng sang các ngôi sao nước ngoài như Kobe Bryant và Michael Jackson - một hành động để tránh khỏi những rắc rối pháp lý ở Trung Quốc.
Một nguồn tin đưa ra nhận định như sau với các phóng viên: "Nhu cầu "hồi sinh" người thân kiểu này rất lớn, nhiều người cho rằng đây là một "đại dương xanh" và là một ngành mới nổi, càng vào cuộc sớm càng kiếm được nhiều tiền.
Nó sẽ vẫn ổn cho tới 2 năm nữa - khi số người tham gia vào ngành này đã bão hòa - ngày càng nhiều công ty tham gia hơn khiến áp lực cạnh tranh lớn hơn".
Nguồn tin kết luận rằng ở Trung Quốc không nên có quá ba công ty tham gia vào loại hình "kinh doanh" này nếu không sẽ "rất có vấn đề".
Nhiều luật sư Trung Quốc cho rằng sử dụng AI để "hồi sinh" người đã khuất có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý ngắn hạn của thân nhân nhưng mặt khác cũng có thể khiến chính họ khó khăn hơn trong việc thoát khỏi nỗi đau.
Ngoài ra khi việc này được thương mại hóa, sẽ có nhiều rủi ro bảo mật đi cùng bao gồm xâm phạm, rò rỉ dữ liệu cá nhân, lừa đảo...
Theo Hoài Giang (Nguoiduatin)