Dù giá không hề rẻ và ra mắt trong giai đoạn Covid đang hoành hành nhưng doanh số bán ra của chiếc điện thoại này vẫn đạt mốc kỷ lục. Trong ngày đầu tiên mở bán, FPT shop đã bán được 5.000 chiếc iPhone 13 thu về gần 200 tỷ đồng. Con số phá vỡ mọi kỷ lục mở bán iPhone trước đây.
Có thể với nhiều người con số chi trả cho chiếc điện thoại này không quá ghê gớm nhưng với một số khác, trong khi mức thu nhập không hề tương xứng, họ vẫn chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để có được nó trên tay.
Nhiều người lựa chọn hình thức mua trả góp, phải trừ đi một phần khoảng thu nhập hàng tháng để phục vụ cho sở thích của mình. Họ cho là xứng đáng vì đam mê nhưng nếu nhìn xa hơn, với con số này bạn có thể có được một quỹ tiết kiệm kha khá hay một khoản đầu tư sinh lợi không hề nhỏ cho tương lai.
Theo khảo sát của công ty định giá Flipsy, trung bình một người Mỹ chi ra khoảng hơn 75.000 USD cho iPhone nếu họ thường xuyên nâng cấp chúng trong vòng 60 năm (điều kiện năm nào cũng đổi).
Giá iPhone mỗi năm tăng trung bình 12%. Nếu các bạn lấy tổng số tiền mua iPhone trong khoảng thời gian này đầu tư hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất 4% một năm thì sẽ thu về được khoản lời 300.000 USD. (Một độc giả trên báo phân tích)
Ở Việt Nam, để chạy theo một chiếc iPhone đời mới ra mỗi năm, bạn phải mất đâu đó trên dưới 17 triệu đồng. Bởi iPhone qua từng đời thường rớt giá, khi bán lại chỉ khoản được 50% giá lúc mua. Tính ra, mỗi ngày bạn mất xấp 47.000 nghìn cho chiếc iPhone mới.
Nếu cứ tiếp tục theo đuổi cuộc đua iPhone thì trong 10 năm con số mất đi nằm trong khoảng 170 triệu đồng. Con số này không hề nhỏ cho một quỹ dự phòng hay là một số vốn đầu tư sinh lời rất đáng suy nghĩ.
Thiết nghĩ, việc "chạy theo" iPhone, lên đời từng năm chỉ nên dành cho những người có thu nhập tốt hoặc có cơ sở để trong tay để theo đuổi đam mê công nghệ. Một số sẽ cần thiết khi điều kiện công việc yêu cầu hay làm trong những ngành có sự đánh giá cao về vẻ bên ngoài.
Với những bạn đang còn khó khăn về kinh tế hay nguồn thu nhập không ổn định, việc theo đuổi một chiếc điện thoại để cho thấy mình bắt kịp thời đại hay để chứng tỏ bản thân, khoe với bạn bè xã hội là không cần thiết.
Có những điều rất nhiều người đã biết nhưng vẫn "cố tình quên":
1. Các hãng điện thoại sẽ cho ra những phiên bản mới liên tục dù bản chất của chúng không thay đổi quá nhiều
Để có thể bán được nhiều sản phẩm hơn, mỗi năm các nhà sản xuất đều ra mắt các sản phẩm mới được cho là đột phá hay sáng tạo nhưng thực chất các sản phẩm đời sau hầu như không đổi mới quá nhiều so với những sản phẩm trước đó.
Việc nâng cấp, bất chấp "chạy đua" đôi khi không cần thiết.
2. Rất ít người dùng hết các tính năng trên điện thoại
Sự thật là có rất nhiều người không dùng hết tất cả hoặc thậm chí một nửa tính năng của điện thoại đang có. Vậy thì tại sao phải nâng cấp lên một con máy có các tính năng mà bạn sẽ không bao giờ cần dùng đến?
Nếu mức thu nhập của bạn không quá xông xênh thì không nên gắng gượng để có thể đều đặn thay điện thoại hàng năm.
3. Điện thoại khẳng định vị thế nhưng nếu bạn không có vị thế thì không cần phải bận tâm
Trong nhiều trường hợp, điện thoại cũng là "cái mác" để định giá bản thân. Tuy nhiên nếu đời sống, công việc của bạn không hề bị ảnh hưởng bởi một chiếc điện thoại mới hay cũ thì không nên nhọc sức chạy đua làm gì. Bạn cần biết được điều gì quan trọng nhất với mình.
Chỉ cần 10 năm tích cóp với số tiền đầu tư nâng cấp điện thoại, bạn sẽ có một số dư không hề nhỏ trong ngân hàng. Với số tiền này, bạn có thể yên tâm khi có những bất trắc xảy ra hoặc có thể đầu tư phát triển bản thân, phục vụ cho công việc hiện tại hoặc đầu tư sinh lợi. Khi đã có tiền, lúc đó bạn cần bao nhiêu chiếc điện thoại cũng không còn là vấn đề nữa.
Theo Tú Oanh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)