Giữa tháng 4, Giáo hoàng Francis khuyên các học sinh trung học ở Rome "giải phóng bản thân khỏi điện thoại" vì điện thoại cũng như một loại ma túy, có nguy cơ khiến sự giao tiếp bị hạ xuống chỉ còn đơn thuần là "sự liên lạc".
Theo Business Insider, CEO Apple Tim Cook tán đồng quan điểm này khi nhận thấy nhiều người trẻ đang dính lấy smartphone. "Cha mẹ chúng cũng sử dụng điện thoại quá nhiều. Tất cả, hoặc rất nhiều trong số chúng ta cũng vậy", Cook chia sẻ trong sự kiện Time 100 Summit ngày 23/4.
"Tôi đã hỏi bản thân mình, rằng tôi có thực sự cần phải nhận hàng nghìn thông báo mới hàng ngày. Chúng chẳng phải thứ bổ sung giá trị cho cuộc sống của tôi hay khiến tôi trở nên tốt hơn. Vì thế, tôi tắt các thông báo. Các vị cũng nên làm thế", ông nói.
Ông cũng nhắc tới lời của Giáo hoàng rằng điện thoại đang ảnh hưởng đến giao tiếp: "Mỗi khi cầm điện thoại lên, nghĩa là các vị đã rời mắt khỏi người mà mình đang trò chuyện. Nếu nhìn vào điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt ai đó, các vị đã sai rồi".
Người đứng đầu Apple đề cập đến một khảo sát rằng trung bình người dùng cầm điện thoại lên 2.617 lần mỗi ngày và khẳng định việc mọi người sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi không phải mục tiêu hãng hướng đến.
"Rõ ràng, có những ứng dụng khiến mọi người cứ cuộn mãi, cuộn mãi không dừng và liên tục cầm điện thoại để xem chuyện gì đang diễn ra", ông nhận xét.
Giữa năm 2018, Apple công bố tính năng Screen Time cho iOS, giúp phân loại ứng dụng và theo dõi thời gian, thói quen sử dụng, sau đó cung cấp bảng tóm tắt hàng tuần. "Khi xem số liệu, tôi thấy mình dành quá nhiều thời gian cho chúng. Số lần tôi cầm điện thoại cũng quá nhiều", CEO Apple thừa nhận.
Từ những thống kê này, Cook thực hiện một thay đổi đơn giản giúp ông không bị xao lãng hàng nghìn lần mỗi ngày: tắt hệ thống thông báo.
Tuy nhiên, công cụ Screen Time của Apple cũng khiến nhiều chuyên gia hoài nghi. "Giải pháp của Apple giống những gì ngành công nghiệp đánh bạc đã làm để khắc phục nạn nghiện cờ bạc: Rải tờ rơi quanh các sòng bài nói về những vấn đề mà người chơi có thể gặp phải", Andrew Dunn, tác giả ứng dụng Siempo, nhận xét trên Business Insider năm ngoái.
Theo Châu An (VnExpress.net)