Sau vụ khủng bố xả súng tại San Bernadino, California năm 2015, Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) sau khi không thể mở khóa chiếc iPhone 5c được bảo vệ bởi mã bảo mật của một trong những thủ phạm gây ra vụ việc, đã yêu cầu Apple tạo ra một phiên bản iOS cho phép nhập mã bảo vệ không giới hạn số lần. Apple đã từ chối ngay lập tức, cho rằng đó là vi phạm điều lệ của công ty với khách hàng.
Chỉ sau đó vài năm, những phương thức bảo mật của iPhone đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, phần lớn iPhone đang được sử dụng đều được trang bị cảm biến vân tay. Hơn nữa, với sự xuất hiện của Face ID vào năm ngoái, không sớm thì muộn, gần như mọi iPhone sẽ được bảo vệ bởi khuôn mặt của chủ nhân chúng. Và người vui mừng nhất trong sự thay đổi về phương thức bảo mật này, không ai khác, chính là Chính phủ và các cơ quan hành pháp, khi họ có thể dễ dàng truy cập vào những thiết bị của tội phạm và nghi phạm đã chết.
Theo Forbes, cảnh sát tại hai thành phố New York và Ohio, Mỹ đã bắt đầu thực hiện việc mở khóa các thiết bị bằng vân tay của những chủ nhân đã chết của chúng.
"Một số nguồn tin thân cận của cảnh sát khu vực và lực lượng điều tra liên bang tại hai thành phố New York và Ohio (đã đề nghị được ẩn danh vì họ không được phép bình luận về vụ việc) đã khẳng định rằng việc dùng dấu vân tay của những người đã chết để mở khóa iPhone – những thiết bị được mã hóa rất tốt trong nhiều năm qua – đang trở nên rất phổ biến. Ví dụ, cảnh sát đã dùng kỹ thuật này trong những vụ chết vì chơi thuốc quá liều để có thể thu thập thông tin của những đầu mối bán thuốc".
Nếu có bất kỳ sự phản đối nào về việc sử dụng vân tay của người đã chết, các nhà chức trách khẳng định những người này không còn được hưởng quyền riêng tư của mình nữa. Nói cách khác, các lực lượng hành pháp tại Mỹ sẽ không cần phải xin sự đồng ý từ các tòa án để mở khóa các thiết bị nữa, nhưng các tranh cãi về mặt đạo đức chắc chắn sẽ còn kéo dài rất lâu và khó có thể giải quyết một cách ổn thỏa.
Theo Văn Hoàn (Vnreview.vn)