Muôn hình vạn trạng
Mới đây, anh L.Đ.T. (TPHCM) bị kẻ gian lừa đảo 200 triệu đồng vì sự thiếu hiểu biết. Cụ thể, anh T. thấy bài đăng của một người phụ nữ trên tài khoản Zalo với nội dung bị người chồng là giám đốc một sàn tiền ảo phản bội.
Người này nói rằng kỹ thuật viên của mình biết các lỗ hổng của sàn, để trả thù chồng nên sẽ kéo giúp người dùng lợi nhuận lên 6 - 7 lần và sẽ lấy “hoa hồng” 20% cho kỹ thuật.
Do tò mò và thấy lợi nhuận cao nên anh T. đã bị người này dụ dỗ nhấn vào đường link trang web được cho và tạo tài khoản người dùng trên sàn tiền ảo, nạp 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng được chỉ định.
Sau đó, kẻ lừa đảo nói rằng tài khoản anh T. đã được kéo lên 700 triệu đồng, lấy lý do để việc rút tiền không bị bại lộ, kẻ lừa đảo yêu cầu anh T. nạp thêm 100 triệu đồng để thực hiện thêm các lệnh nữa.
Tin lời đối tượng, anh T. chuyển thêm 100 triệu đồng, sau đó tài khoản của anh đã kéo lên 1,4 tỷ đồng. Kẻ lừa đảo đề nghị anh T. rút tiền về, chuyển “hoa hồng” 20% cho người giới thiệu.
Anh T. thực hiện các lệnh rút tiền đều thất bại. Đối tượng tiếp tục dẫn dụ anh T. ngập sâu vào bẫy đã giăng khi nói rằng do tài khoản anh T. bị sai, để rút được tiền cần nạp thêm 20% của số tiền 1,4 tỷ đồng trong tài khoản, tương đương 287 triệu đồng.
Đến lúc này, nghi ngờ mình bị lừa, cùng với sự can ngăn của người thân, anh T. mới dừng việc nạp thêm tiền và thông báo lên ngân hàng nhờ can thiệp, tuy nhiên mọi việc đã quá muộn.
Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian gần đây vẫn tiếp tục diễn ra rất tinh vi, trong đó có thủ đoạn mời gọi người dân tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, các đối tượng gọi điện thoại cho người dân, giả danh nhân viên công ty chứng khoán có tên tuổi để mời tham gia các hội, nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán. Khi người dân đồng ý sẽ kết bạn qua Zalo để trao đổi.
Các đối tượng này hướng dẫn người dân truy cập vào các đường link dẫn trang thông tin hoặc cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp rồi lôi kéo người dân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến và giải thích các nhóm này được lập bởi các quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp...
Trong vài phiên giao dịch đầu tiên, các đối tượng lừa đảo tạo các giao dịch ảo trên các trang thông tin điện tử và ứng dụng mà chúng cung cấp từ trước, khiến cho tài khoản của nạn nhân liên tục có lợi nhuận, thậm chí gấp nhiều lần số tiền đã nạp vào tài khoản.
Khi nạn nhân muốn rút tiền, các đối tượng sẽ đưa ra các lý do như: Sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để rút tiền... nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng.
Khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Cẩn trọng với “mối lợi màu hồng”
Việc người dân nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cần thiết để tự bảo vệ và tránh rơi vào các “cạm bẫy tài chính”.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo/tiền mã hóa - một loại tài sản có giá trị điện tử); mua bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối… với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Gần đây, trước diễn biến phức tạp của hình thức lừa đảo đầu tư chứng khoán để chiếm đoạt tiền, Công an quận Bình Tân, TPHCM cảnh báo đến người dân, đề cao cảnh giác, không để bị lừa.
Đồng thời, khi gặp phải trường hợp như trên phải nhanh chóng thông tin, tố giác với cơ quan công an gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định, hoặc nhắn tin, gọi điện trực tiếp đến tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM, đối với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính, các đối tượng thường gọi điện, nhắn tin mời chào nạn nhân tham gia các “nhóm đầu tư thông minh”, “nhóm chuyên gia tài chính”, “nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế”.
Bản chất của thủ đoạn này là đưa nạn nhân vào các nhóm lừa đảo để thao túng, dẫn dụ nộp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo… Sau khi nạn nhân tin và chuyển tiền theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách chiếm đoạt tiền của họ.
“Lực lượng Công an TPHCM phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến của đối tượng xấu trong giai đoạn cận kề Tết Nguyên đán 2024. Nổi bật nhất là thủ đoạn giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình “quà tặng, trúng thưởng Tết”; “khuyến mãi Tết”; “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” hay dưới dạng “Hội thi áo dài Xuân”.
Nhiều đối tượng thực hiện chiêu trò đưa ra thông tin về những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường để tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn dụ người dân tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản”, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo.
Theo Hồ Phục (Giáo Dục & Thời Đại)