Sản phẩm Apple nổi tiếng với người dùng bởi tính dễ sử dụng, tuy nhiên lại khiến cho các kỹ thuật viên sửa chữa bên thứ ba luôn phải đau đầu. Bởi lẽ, trong suốt nhiều năm qua, Apple luôn tạo ra những hạn chế trong sản phẩm của mình để không một ai, ngoại trừ chính Apple, có thể sửa chữa chúng.
Chỉ riêng với iPhone, trong những năm vừa qua, nhiều thành phần quan trọng như cảm biến vân tay Touch ID, camera Face ID, màn hình và pin đều đã được Apple thiết kế để không một bên sửa chữa thứ ba nào có thể thay thế chúng một cách hoàn chỉnh.
Ví dụ với iPhone 11/11 Pro năm ngoái, nếu màn hình của máy bị thay thế, thông báo "Màn hình không chính hãng" sẽ xuất hiện, kể cả khi chiếc màn hình đó được "bóc máy" từ một chiếc iPhone khác. Tương tự như vậy với pin, nếu người dùng để bên thứ ba thay pin trên những chiếc iPhone Xs/XR trở đi, thông báo "Pin không chính hãng" cũng sẽ xuất hiện, và người dùng sẽ không thể theo dõi tình trạng chai pin như nguyên bản.
Với iPhone 12, Apple đang tiếp tục cho thấy những động thái nhằm cản trở các bên sửa chữa thứ ba. Lần này, thành phần bị Apple tạo ra những hạn chế là camera.
Cụ thể, Youtuber Hugh Jeffreys đã mua hai chiếc iPhone 12 y hệt nhau và tiến hành tráo linh kiện cho nhau để kiểm tra độ tương thích. Khi đổi mainboard của hai máy cho nhau, hàng loạt thông báo cảnh báo về việc Face ID không thể kích hoạt, màn hình không chính hãng, pin không chính hãng... lập tức xuất hiện. Đây là điều đã được dự đoán trước, do là thứ mà người ta đã gặp trên các thế hệ iPhone trước đây.
Tuy nhiên, không chỉ có vậy, mà camera của cả hai chiếc iPhone cũng bị ảnh hưởng. Ứng dụng camera của cả hai chiếc iPhone liên tục bị treo, và một số tác vụ như chuyển sang camera ultrawide, chụp ảnh panorama hay chụp ảnh xóa phông đều không thể hoạt động.
Để đảm bảo rằng vấn đề này không phải do phần mềm, Hugh Jeffreys đã tiến hành reset và restore lại máy, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Khi anh này hoán đổi camera trở lại về đúng theo nguyên bản, cả hai chiếc iPhone lại có thể chụp ảnh một cách bình thường.
Như vậy, sau Face ID, màn hình và pin; đến lượt camera là thành phần tiếp theo bị Apple "khoá trái". Nếu camera của iPhone 12 bị hỏng trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ không thể nhờ cậy các bên thứ ba để sửa chữa được nữa.
Xét theo chiều hướng tích cực, nó sẽ giúp hạn chế tình trạng iPhone "dựng" (bị thay thế linh kiện) khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên xét về lâu dài, đây rõ ràng sẽ là một điều đáng lo ngại cho người dùng, bởi họ sẽ phải đối mặt với mức giá sửa chữa "trên trời" của Apple nếu chiếc iPhone của họ bị hỏng.
Theo Bình Minh (Pháp luật & Bạn đọc)