Trong vài năm qua, cảm biến vân tay trên smartphone đã đổi chỗ khá nhiều. Từ vị trí ban đầu - cạnh dưới màn hình, các nhà sản xuất đã chuyển sang mặt lưng, cạnh bên, và cuối cùng là nhúng vào bên trong màn hình smartphone.
Nhờ áp dụng công nghệ này, nhà sản xuất có thể cắt gọt cạnh dưới của máy tối đa để tạo nên những chiếc điện thoại màn hình tràn viền tuyệt đẹp.
Bản thân cảm biến vân tay trong màn hình cũng là công nghệ thú vị. Xuyên qua lớp kính, cảm biến có thể đọc được những đường vân phức tạp trên ngón tay người dùng, so sánh với dữ liệu đã được lưu và mở khóa điện thoại, chấp nhận thanh toán... nếu trùng khớp.
Những sản phẩm thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến này đã xuất hiện trên thị trường như Huawei Mate 20 Pro và OnePlus 6T. Bằng trải nghiệm thực tế của mình, phóng viên Victor Hristov của Phone Arena đánh giá cảm biến vân tay trong màn hình smartphone "vẫn chưa đủ tốt".
Công nghệ đang ở giai đoạn nào?
Sau thời gian sử dụng những smartphone đầu tiên trên thế giới có cảm biến vân tay trong màn hình, Victor Hristov cho rằng nó vẫn hoạt động gần giống như cảm biến vân tay trước đây.
Trên OnePlus 6T, hầu hết số lần mở khóa bằng cảm biến vân tay đều thành công nhưng người dùng thực sự phải tập trung vào việc mở khóa, chạm vào đúng vị trí cảm biến, đặt ngón tay đúng góc. Công nghệ này hoạt động rất tốt trong điều kiện như vậy.
Tuy nhiên, mỗi ngày người dùng cần mở khóa điện thoại hàng trăm lần. Luôn có những tình huống mở khóa điện thoại một cách vội vàng, phân tâm với việc khác hoặc mở khóa trong lúc đang di chuyển.
Đó chính là lúc cảm biến vân tay trong màn hình gây thất vọng. Người dùng sẽ thường xuyên gặp tình trạng chạm không đúng vị trí cảm biến hoặc nhấn vào không đủ lực (cảm biến vân tay trên màn hình đòi hỏi người dùng phải chạm vào cảm biến mạnh hơn một chút so với công nghệ cũ).
Khi đó, thay vì mở khóa được điện thoại, người dùng chỉ nhận được phản hồi nhận dạng không thành không. Sau khi thử đến lần thứ 3 thì cần phải nhập mật mã. Vấn đề này không xảy ra đều đặn mỗi lần mở khóa nhưng chắc chắn sẽ gặp phải hàng ngày.
Một điểm khó chịu khác là cảm biến sẽ sáng lên trong đêm nếu người dùng vô tình chạm vào màn hình ở bất kì vị trí nào. Điều này không thể thay đổi hoặc tắt đi trong cài đặt của máy.
Cảm biến vân tay trong màn hình có được cải thiện?
Hiệu suất hoạt động cảm biến vân tay trong màn hình của OnePlus 6T và Huawei Mate 20 Pro tương đương nhau và đều làm cho Victor Hristov thất vọng.
Người dùng thường thích công nghệ tương lai, thiết kế màn hình tràn cạnh và cả cảm biến vân tay trong màn hình, nhưng tốc độ và độ chính xác của nó vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trên Mate 20 Pro, bên cạnh cảm biến vân tay, smartphone này còn được trang bị khả năng nhận dạng khuôn mặt 3D tương tự trên iPhone XS, vì vậy người dùng có thể kết hợp cả hai hình thức bảo mật. OnePlus 6T cũng có tính năng nhận dạng khuôn mặt nhưng hoạt động khá kém trong điều kiện ánh sáng yếu.
Cảm biến vân tay trên màn hình có được cải thiện trong thời gian tới? Victor Hristov tin tưởng điều này sẽ xảy ra khi Samsung áp dụng cảm biến vân tay trên màn hình hoàn toàn mới dành cho Galaxy S10 và một số dòng máy khác của hãng.
Cảm biến này dựa trên công nghệ siêu âm, sẽ loại bỏ được các nhược điểm kể trên và mang đến hiệu suất hoạt động cao hơn, đáng tin cậy hơn. Đó sẽ là thời điểm đột phá thật sự của cảm biến vân tay.
Theo Nguyễn Mai (Tri Thức Trực Tuyến)