Nói với New York Times, đại diện Boeing cho biết hãng máy bay này vừa hứng chịu một đợt tấn công mạng. Một vài nhân sự cấp cao của hãng cho rằng thủ phạm là một loại mã độc giống WannaCry, từng lây nhiễm và làm tê liệt nhiều hệ thống của 70 quốc gia trong năm 2017.
Trong một bản ghi nhớ nội bộ, Mike VanderWel, kỹ sư trưởng khối sản xuất của Boeing Commercial Airplane, cho rằng cuộc tấn công này đang "di căn" và có thể ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất cũng như phần mềm hàng không.
Đêm 28/3, trong một thông cáo báo chí, Boeing khẳng định đã kiểm soát được tình hình, không để ảnh hưởng đến khối sản xuất.
"Một số bài viết về tình hình lây nhiễm mã độc (ở Boeing) đã cường điệu hóa và không chính xác. Hệ thống của chúng tôi đã phát hiện ra một ít mã độc và chúng chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ hẹp. Các biện pháp khắc phục đã được áp dụng và chúng không gây hại gì cho sản xuất hay cung ứng", trích thông cáo.
Charles Bickers, phát ngôn viên của Boeing, từ chối xác nhận mã độc tấn công hãng máy bay này là WannaCry, hay một biến thể nào khác.
WannCry là loại mã độc bắt cóc dữ liệu đòi tiền chuộc (ransomware). Giới chức Mỹ lẫn phương Tây đều cho rằng chúng được tạo ra bởi hacker Triều Tiên. Phân tích kỹ thuật cho thấy WannaCry đã lợi dụng công cụ được tạo ra bởi NSA (cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), khai thác lỗ hổng EternalBlue bên trong hệ điều hành Windows của Microsoft.
Trong năm 2017, WannaCry đã lây nhiễm hơn 100.000 máy tính ở 74 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chúng chiếm quyền điều khiển máy tính, mã hóa dữ liệu và đưa thông điệp đòi tiền chuộc bằng bitcoin. Nhiều bệnh viện, đồn cảnh sát, cây xăng, văn phòng hành chính, trụ ATM... ở các quốc gia đã bị tê liệt trong nhiều giờ vì WannaCry.
Theo Duy Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)