Trước diễn biến phức tạp tại miền Đông Ukraine, Apple đã ngừng hoàn toàn quan hệ với thị trường Nga, trong khi các công ty như YouTube , Meta và Microsoft đang hạn chế các kênh truyền thông đa phương tiện của Nga như RT và Sputnik ở châu Âu.
Các "ông lớn" công nghệ cho rằng, các động thái này cùng với hành động hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến có thể cải thiện vị thế của họ trong lòng người tiêu dùng.
“Nếu một thương hiệu từng gây ấn tượng xấu với người dùng trong quá khứ, đây có thể trở thành cơ hội sửa chữa danh tiếng cho thương hiệu của họ”, theo nhà phân tích cấp cao của Forrester, Alla Valente.
Biến bất lợi thành lợi thế
Khi xác định ngưng các dịch vụ tại Nga, các tập đoàn buộc phải chấp nhận sẽ mất đi một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tuy nhiên, đây cũng có thể trở thành “đòn tâm lý” giúp các thương hiệu này gây dựng được cảm tình từ các thị trường còn lại trên thế giới.
Trong số đó, Apple là tập đoàn có lập trường mạnh mẽ nhất đối với Nga. Công ty đã ngừng hoàn toàn việc bán sản phẩm, hạn chế các dịch vụ như Apple Pay, xóa ứng dụng RT và Sputnik khỏi App Store toàn cầu (trừ Nga) và vô hiệu hóa thông tin giao thông trực tiếp trong Apple Maps.
Trên thực tế, Apple không có bất kỳ cửa hàng chính hãng nào ở Nga, các sản phẩm của họ đều được bán thông qua các nhà bán lẻ bên thứ ba. Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush cho hay, rút khỏi Nga sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của Apple.
Nhìn chung, các thương hiệu gắn bó với Ukraine sẽ được hưởng lợi từ sự chú ý tích cực mà họ nhận được và có thể thu hút khách hàng mới, những đối tác kinh doanh mới.
Ngoài ra, các công ty công nghệ cho rằng, việc này có thể thúc đẩy tinh thần của nhân viên và đóng vai trò như một công cụ tuyển dụng mạnh mẽ cho các nhân viên trong tương lai. Họ chắc chắn điều này sẽ nâng cao “chỉ số hạnh phúc” của nhân viên mình bằng cách hỗ trợ Ukraine.
Nguồn: Yahoo Finance
Theo Thái Hoàng (Ictnews.vn)