Từ khi được phát hiện cách đây 1 thế kỷ, cỗ máy Antikythera vẫn luôn làm đau đầu các nhà khoa học về khả năng của mình. Làm thế nào một cỗ máy 2.000 năm tuổi, được làm bằng tay lại có thể dự đoán được chuyển động của các hành tinh, các chu kỳ của mặt trăng, mặt trời cũng như Nguyệt thực?
Tuy nhiên, không dễ để trả lời được câu hỏi này khi chỉ có trong tay 1/3 cỗ máy với 82 mảnh vỡ riêng lẻ, trong số đó chỉ có một vài bánh răng trong tổng số ít nhất 30 bánh răng của cỗ máy này. Các nhà khoa học tin rằng, nếu họ có thể phục dựng lại được cỗ máy này cũng như cách hoạt động của nó, họ có thể giải đáp được bí ẩn thế kỷ này.
Vào năm 2002, ông Michael Wright, cựu phụ trách về kỹ thuật cơ khí tại Viện bảo tàng Khoa học ở London, đã công bố nhiều hình ảnh về các thành phần tạo nên cỗ máy này khi quét X-quang các mảnh vỡ của nó. Dù quan sát được thêm nhiều thành phần bên trong cỗ máy, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để phục dựng hoàn toàn lại nó cũng như xác định được các thành phần còn thiếu.
Nhưng giờ đây các nhà khoa học tại Đại học London (University College London) tin rằng mình đã giải mã được bí ẩn – hoặc ít nhất một phần của nó – đối với "máy tính đầu tiên trên thế giới" này.
Theo tài liệu được các nhà nghiên cứu công bố, họ đã kết hợp các hình ảnh mà ông Wright thu được với các câu viết của nhà triết học người Hy Lạp cổ Parmenides, mô tả về cỗ máy này cũng như phương pháp tính toán của cỗ máy để hình dung được về phần còn lại của cỗ máy này.
Dựa trên các tính toán này, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng cỗ máy này hiển thị chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng cùng các hành tinh như Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ trên các vòng tròn đồng tâm. Việc quan niệm của người xưa cho rằng Mặt trời và các hành tinh khác chuyển động quay quanh Trái Đất, khiến các nhà khoa học cũng khó tái tạo chính xác kích thước của bánh răng hơn.
Từ những dự đoán này, các nhà nghiên cứu dựng lại mô hình 3D mô phỏng cỗ máy với đầy đủ các bộ phận cũng như cách chuyển động của nó. Cuối cùng là một cỗ máy với gần như toàn bộ là các bánh răng được đặt nằm gọn trong một không gian có độ dày chỉ khoảng 25mm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng công trình này giúp họ tiến gần hơn đến việc thực sự hiểu rõ cách hoạt động của thiết bị Antikythera như thế nào, nhưng họ vẫn chưa rõ liệu mức độ chính xác của thiết kế này cũng như làm thế nào các kỹ thuật chế tác cổ đại lại có thể tạo nên nó.
Các vòng tròn đồng tâm để hiển thị vị trí của mặt trời và các hành tinh cần được quay trên những trục rỗng, lồng vào nhau. Nhưng với việc không có các máy tiện kim loại, chưa rõ người Hy Lạp cổ đại làm thế nào chế tác nên những bộ phận tinh xảo như vậy.
Ngay cả khi mô hình này có hiệu quả đi nữa, vẫn còn nhiều điều bí ẩn khác cần được giải đáp. Vẫn chưa rõ liệu cỗ máy Antikythera là một món đồ chơi, một công cụ giảng dạy hay được sử dụng cho mục đích nào khác. Nếu người Hy Lạp cổ đại có thể làm ra các cỗ máy như vậy, liệu họ còn có thể làm ra những thứ gì khác với kiến thức của mình không?
Theo Nguyễn Hải (Pháp Luật & Bạn Đọc)