Nở rộ thủ đoạn lừa đảo cài đặt ứng dụng dịch vụ công
Trong thời gian gần đây, tình hình lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Đáng nói các hình thức lừa đảo không mới nhưng với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân nên vẫn có rất nhiều trường hợp sập bẫy.
Trong số các hình thức lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra, hình thức giả mạo các ứng dụng (app) dịch vụ công khá phổ biến, khiến người dùng sập bẫy với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Người dùng sau khi cài ứng dụng theo đường link mà các đối tượng gửi đến trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ thiết bị. Sau đó các đối tượng có thể dễ dàng thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử,...
App giả mạo không chỉ giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể nhưng đánh vào tâm lý của người dân về việc sử dụng dịch vụ công nên các hình thức lừa đảo mà người dân thường dính bẫy chủ yếu là app của Chính phủ, Tổng cục Thuế, Bộ Công an...
Đáng chú ý, sự xuất hiện của các app giả mạo không chỉ hạn chế ở Google Play Store mà cả trên App Store của Apple, dù Apple áp dụng các chính sách kiểm duyệt khá nghiêm ngặt.
Cách nhận biết app, ứng dụng giả mạo
Điều đầu tiên người dân cần quan tâm đó là về nguồn gốc của các app/ứng dụng. Nếu như là app/ứng dụng chính thức của các cơ quan chức năng thì tại trụ sở các cơ quan sẽ có mã QR code để người dân tiện cài đặt.
Mọi người sẽ được hướng dẫn tải app/ứng dụng từ nguồn truy cập chính thống chứ không phải gọi điện thoại để yêu cầu cài đặt ứng dụng. Bên cạnh đó, các ứng dụng lừa đảo thường không có trên các kho App Store (của điện thoại iPhone) hoặc CH Play (máy dùng hệ điều hành Android). Bởi vì, các ứng dụng lừa đảo thường không thể đưa lên kho vì vi phạm chính sách. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết ứng dụng có uy tín hay không.
Tiếp đó, để cài các ứng dụng lừa đảo, người dùng thường bị các đối tượng yêu cầu tải về file.apk với máy Android, hoặc sử dụng một cấu hình riêng trên iOS để cài đặt ứng dụng lên iPhone. Một số có thêm phiên bản web để người dùng sử dụng. Về bảo mật, việc cài đặt file từ bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ dính mã độc hoặc phần mềm gián điệp.
Ngoài ra người dùng cần chú ý đến "ngoại hình" các ứng dụng thông qua các dấu hiệu nhận biết như logo và màu sắc của ứng dụng. Nếu phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào, dù nhỏ nhất, cần cẩn thận kiểm tra thêm thông tin.
Ngoài ra, các lỗi chính tả và cấu trúc ngôn ngữ kém cũng là một dấu hiệu khác của phần mềm giả mạo. Thông thường, những lỗi này không phải là ngẫu nhiên mà được tạo ra cố ý để tránh các công cụ quét bản quyền.
Đối với những ứng dụng ngoài dịch vụ công: Các lời mời mọc, hứa hẹn tặng quà khuyến mãi, voucher, hay giảm giá vô cùng hấp dẫn khi tải app để mua sản phẩm cũng có thể là vũ khí khiến bạn mắc bẫy lừa đảo đó. Để xác nhận rõ ràng, hãy truy cập trang web của nhà phát triển để kiểm chứng độ tin cậy từ các gói quà tặng.
Trên đây là những cách nhận diện các app/ứng dụng lừa đảo để mọi người nhận biết. Khi tiếp nhận thông tin yêu cầu cài đặt, người dân cần kiểm chứng lại rõ ràng xem yêu cầu cài đặt, ứng dụng đưa tới từ đâu.
Theo Hạ Vũ (Phụ Nữ Số)