Ba ngày chặn 5.400 điện thoại 'cục gạch' 2G nhập mạng

06/03/2024 22:28:36

Theo công bố của Cục Viễn thông, mỗi tháng vẫn có khoảng 300.000 điện thoại “cục gạch” 2G nhập mạng làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G.

Thuê bao 2G chỉ giảm 1% mỗi tháng

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết theo số liệu thống kê từ tháng 9/2023, Việt Nam có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Hiện, các nhà mạng đã đưa ra lộ trình để tắt sóng 2G.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao 2G chỉ giảm khoảng 1%/tháng. Bên cạnh đó, các thuê bao 2G hòa mạng mới vẫn cao với khoảng 300.000 điện thoại “cục gạch” mỗi tháng. Điều này làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G vì số lượng thuê bao chưa giảm nhanh như kỳ vọng. 

Ba ngày chặn 5.400 điện thoại 'cục gạch' 2G nhập mạng
Điện thoại 4G sử dụng phím bấm, có ưu điểm pin khỏe, sử dụng đơn giản như điện thoại “cục gạch” 2G vẫn được nhập mạng và sử dụng bình thường.

Từ ngày 1/3, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng chặn các máy điện thoại “cục gạch” 2G nhập lậu, không hợp quy, hòa mạng. Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết trong 3 ngày, các nhà mạng đã chặn 5.400 máy điện thoại “cục gạch” 2G kết nối mạng. 

“Từ ngày 1/7/2021, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất buộc các thiết bị di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Việc Bộ TT&TT yêu cầu chặn điện thoại 2G chưa hợp quy kết nối mạng mới từ ngày 1/3 sẽ làm giảm nhanh điện thoại 2G tại Việt Nam. Tuy nhiên, những điện thoại 4G sử dụng phím bấm, có ưu điểm pin khỏe, sử dụng đơn giản như điện thoại “cục gạch” 2G vẫn được nhập mạng và sử dụng bình thường để phục vụ những khách hàng chỉ có nhu cầu nghe gọi”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Ông Nguyễn Phong Nhã còn cho hay, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tính đến phương án sử dụng nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.

Nhà mạng chuẩn bị máy “cục gạch” 4G cho người dùng

Các nhà mạng cho biết chu kỳ sử dụng của một chiếc điện thoại là khoảng 3 năm. Kể từ năm 2020, Bộ TT&TT đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G Only, do đó, các máy nhập vào thị trường Việt Nam hiện nay đều theo đường tiểu ngạch. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở cuối chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.

Các nhà mạng đã xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Nhà mạng chuẩn bị các dòng điện thoại “cục gạch” 4G giá rẻ, khoảng vài trăm nghìn đồng, chỉ dùng dịch vụ thoại và nhắn tin để phục vụ cho một lớp khách hàng nhỏ có nhu cầu này.

Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, các hãng sản xuất lớn như Nokia hay thương hiệu Việt Nam như Masstel phát triển khá nhiều dòng máy 4G tính năng (feature phone 4G), chưa kể số lượng các dòng máy được nhập khẩu chính thức.

Đánh giá về chủ trương tắt sóng 2G, ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử, cho rằng khi tắt sóng 2G, người dân, xã hội sẽ bỏ sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng các dịch vụ có chất lượng, tốc độ cao, giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số. 

Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện, vì thế, loại bỏ 2G không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn với Nhà nước, lợi ích quan trọng là giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn.

“Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

Dưới góc nhìn của mình, Giám đốc TrueIDC Vietnam, ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng: “Chính phủ nên quyết liệt để tắt sóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho các công nghệ mới. Đây là băng tần vàng, nước ngoài coi đây là nguồn tài nguyên quý giá”.

Theo Thái Khang (VietNamNet)