Theo BGR, trong các sự kiện và trên trang sản phẩm, Apple luôn quảng cáo về những tiến bộ trong sản xuất của mình có tác động tối thiểu đến môi trường. Bên cạnh đó, công ty cho biết thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu tìm cách giảm ô nhiễm và cải tiến tái chế.
Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với trang news.com.au, Phó chủ tịch mảng Môi trường, Chính sách và Sáng kiến xã hội của Apple - Lisa Jackson, nói rằng công ty cam kết điều hành một doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Thậm chí, hãng có kế hoạch sản xuất các sản phẩm phổ biến như iPhone và MacBook từ các vật liệu tái chế và vật liệu mới như nhựa sinh học.
“Theo như tôi biết, chúng tôi là công ty duy nhất trong ngành đang cố gắng tìm ra điều đó. Hầu hết mọi người nói về việc tái chế các thiết bị điện tử, nhưng các vật liệu đó lại không nhất thiết sử dụng trong các thiết bị điện tử mới”, cô Lisa nói.
Rõ ràng nhiệm vụ của Apple không phải dễ dàng nếu xem số lượng thiết bị mà công ty bán ra hằng năm, nhưng với động thái nhằm “ngừng khai thác tài nguyên trái đất hoàn toàn”, đó thực sự là nỗ lực đáng khen của công ty.
Mới đây, Apple được các tổ chức quốc tế khen ngợi là công ty đi đầu trong việc tìm kiếm nguồn cobalt một cách có trách nhiệm. Đây là vật liệu quan trọng để chế tạo pin sử dụng nhiều trong các thiết bị hằng ngày, bao gồm thiết bị của Apple, trong đó Cộng hòa Dân chủ Congo là nguồn cung chiếm hơn một nửa của thế giới.
Vấn đề là, điều kiện làm việc khai thác cobalt là rất nguy hiểm khi phải tìm kiếm bằng tay, trong đó đáng chú ý là tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Đó là lý do khiến Apple quyết định ngừng sử dụng cobalt khai thác bằng tay.
Dĩ nhiên, để chuyển tất cả việc sản xuất iPhone và MacBook sang sử dụng vật liệu tái chế sẽ cần một thời gian dài, nhưng khi điều đó xảy ra, đó sẽ là tin vui cho môi trường toàn cầu.
Theo Thành Luân (Thanh Niên Online)