Sauer cho biết, khi lần đầu đưa 4G lên iPhone 5 vào năm 2012, công ty đã đàm phán với Intel, Ericsson và Broadcom để cung cấp modem cho thiết bị. Cuối cùng, không hãng nào đáp ứng đủ yêu cầu, buộc họ quay về với Qualcomm. Đến tháng 9/2016, thế độc quyền này mới bị phá vỡ, khi một số iPhone 7 được trang bị chip 4G của Intel.
Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Qualcomm đang diễn ra với chiều hướng phức tạp. Công ty iPhone bắt đầu khởi kiện nhà sản xuất chip Mỹ từ 2017, cáo buộc hãng này sử dụng các bằng sáng chế để ép buộc mua modem của mình với giá cao. Qualcomm cũng tố Apple vi phạm bản quyền sáng chế và yêu cầu cấm bán một số mẫu iPhone tại Mỹ nhưng không thành công.
Ngày 28/11/2018, CEO Steve Mollenkopf của Qualcomm cho biết họ "lưỡng lự" trong việc giải quyết tranh chấp với Apple, ngụ ý cả hai có thể đàm phán riêng. Tuy nhiên, Apple từ chối và muốn giải quyết tại tòa.
Qualcomm đang thắng thế trong nhiều vụ kiện với Apple. Ngày 11/12/2018, tòa án nhân dân Phúc Châu (Trung Quốc) ban hành lệnh cấm nhập và bán 8 mẫu điện thoại, từ iPhone 6s đến iPhone X do Apple vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm. Cũng trong tháng 12 năm ngoái, tòa án Đức cũng tuyên bố Apple đã sử dụng trái phép sáng chế của Qualcomm. iPhone 7, 7 Plus, 8 và 8 Plus sau đó bị rút khỏi các cửa hàng bán lẻ cũng như trên website tại Đức.
Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)