Bắt đầu từ 1/4, iPhone và các thiết bị iOS khác bán tại Nga có thêm một bước cài đặt. Bên cạnh các câu hỏi về lựa chọn ngôn ngữ, kích hoạt Siri, người dùng sẽ nhìn thấy màn hình nhắc nhở cài đặt một danh sách ứng dụng từ các nhà phát triển Nga. Đây là nhượng bộ của Apple trước áp lực pháp lý của Nga. Theo Wired, nó có thể tạo tiền lệ vượt ngoài biên giới nước này.
Trước đó, vào năm 2019, Nga ra lệnh tất cả máy tính, điện thoại, tivi thông minh… bán trong nước phải cài sẵn một số ứng dụng được nhà nước phê duyệt, bao gồm trình duyệt, ứng dụng nhắn tin, phần mềm diệt virus. Dù vậy, Apple cho phép người dùng lựa chọn không cài đặt, trái ngược với Android. Theo tờ RFE, tất cả ứng dụng đều được tải trên thiết bị Android trước khi bán ra.
Adrian Shahbaz, Giám đốc công nghệ và dân chủ tại tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, nhận xét đây là kết quả sau nhiều năm gây áp lực lên các công ty công nghệ. Nga thi hành nỗ lực lớn để định hình lại Internet trong nước. Chính phủ cũng áp đặt quy định nghiêm ngặt với các doanh nghiệp bản địa. Họ phải lưu trữ dữ liệu trên máy chủ địa phương, cung cấp chìa khóa giải mã, xóa bỏ nội dung vi phạm pháp luật và nay là quảng bá ứng dụng trên các nền tảng của mình.
Theo Mikhail Klimarev, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Internet Protection Society, các ứng dụng cài sẵn mang đến hai lợi ích cho Kremlin: nó tạo cơ hội để quảng bá ứng dụng, đồng thời cho phép chính phủ siết quản lý thị trường công nghệ. Luật sẽ trừng phạt bất kỳ hãng nào bán máy tính, điện thoại không tuân thủ thay vì nhà sản xuất, trừ khi người sản xuất cũng là người bán như Apple.
Đây không phải lần đầu tiên Apple khuất phục trước một chính phủ. Để tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc, “táo khuyết” đồng ý sử dụng nhà cung cấp đám mây trong nước để lưu trữ dữ liệu iCloud và khóa giải mã của khách hàng Trung Quốc. Công ty cũng loại bỏ các ứng dụng ra khỏi App Store Trung Quốc khi nhà nước yêu cầu. Bổ sung một bước cài đặt mới khi kích hoạt thiết bị tại Nga là động thái mới nhất.
Theo Shahbaz, nó nằm trong xu hướng lớn hơn mà họ quan sát được trên toàn cầu, tại các nước như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Từ góc độ an ninh quốc gia và kinh tế, dễ hiểu vì sao chính phủ muốn người dân nước mình sử dụng phần mềm nội. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất phi tập trung của Internet.
Apple vẫn cho người dùng Nga cơ hội không cài đặt các ứng dụng được chính phủ phê duyệt song rõ rằng, quảng bá nó trong quá trình kích hoạt sẽ đưa phần mềm đến với lượng khán giả đông đảo hơn. Apple đơn giản chỉ cần cho phép Nga cài sẵn bất kỳ ứng dụng nào mà họ muốn, hoặc phản đối một cách triệt để. Tuy nhiên, họ chọn giải pháp trung gian mà các chính phủ khác hoàn toàn có thể nắm bắt để phù hợp với lịch ích của nước mình.
Theo Du Lam (Ict News)