Việc sửa chữa một sản phẩm của Apple thường phải phụ thuộc trực tiếp vào nguồn cung ứng linh kiện chính hãng từ Apple Store hoặc một công ty bên thứ ba có hợp đồng hợp tác. Mới đây, Apple đã tuyên bố mở rộng dịch vụ sửa chữa độc lập, đến gần như tất cả các quốc gia nơi có sản phẩm Apple được bán.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa có thể đăng ký để nhận nguồn linh kiện chính hãng từ Apple và cung cấp dịch vụ sửa chữa cho khách hàng. Người dùng có thể đến các nhà cung cấp dịch vụ này thay vì phải thông qua hệ thống bảo hành chính hãng của Apple như trước đây.
Trước đây, chương trình dịch vụ sửa chữa độc lập chỉ được Apple cung cấp tại Mỹ, Canada và Châu Âu. Theo thông báo mới nhất từ Apple, các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa tại các quốc gia Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và một số quốc gia Châu Á sẽ có thể đăng ký tham gia bắt đầu từ tuần này. Nhiều quốc gia khác nữa (khoảng gần 200 nước), bao gồm cả Trung Quốc sẽ có thể bắt đầu đăng ký vào cuối năm nay.
Các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa độc lập sẽ phải đăng ký với Apple để tham gia. Tuy nhiên sau khi được chấp thuận, họ cũng chỉ có thể mua một số linh kiện hạn chế từ Apple, bao gồm pin, màn hình và công cụ chẩn đoán lỗi.
Do đó, các nhà sửa chữa tại địa phương sẽ chỉ có thể khắc phục những vấn đề phổ biến, như thay pin hoặc thay màn hình chính hãng. Những lỗi khác hoặc linh kiện đặc biệt hơn, sẽ phải thông qua hệ thống bảo hành của Apple, hoặc một trong những nhà cung cấp dịch vụ đã được ủy quyền của Apple.
Việc tham gia vào chương trình dịch vụ sửa chữa độc lập của Apple cũng đi kèm với một hợp đồng, cho phép Apple kiểm tra các cửa hàng sửa chữa và có thể phạt nếu phát hiện vấn đề sai sót. Apple có thể phạt 1.000 USD nếu phát hiện các cửa hàng có sử dụng linh kiện không chính hãng.
Tham khảo: theverge
Theo TVD (Pháp Luật & Bạn Đọc)