Một vụ kiện tập thể mới đây cáo buộc Apple đã "đặt mức giá dịch vụ iCloud lên mức mà dịch vụ này gần như chỉ tạo ra lợi nhuận thuần túy." Theo báo cáo của Bloomberg, các nguyên đơn cáo buộc Apple "gian lận trong việc cạnh tranh" bằng cách chỉ cho phép iCloud quản lý sao lưu thiết bị và các nhu cầu lưu trữ khác.
"Người dùng thiết bị Apple được cung cấp 5GB dung lượng lưu trữ iCloud miễn phí, nhưng theo doanh thu iCloud của Apple, hầu hết người dùng thấy dung lượng này không đủ cho nhu cầu lưu trữ của họ và phải mua thêm gói dung lượng iCloud", đơn kiện cho biết.
Điều đáng chú ý là gói miễn phí của iCloud vẫn được giới hạn ở mức 5GB dung lượng lưu trữ kể từ khi Steve Jobs giới thiệu dịch vụ đám mây này lần đầu tại WWDC 2011.
Trọng tâm của vụ kiện nhấn mạnh vào thực tế là người dùng iPhone chỉ có một lựa chọn khi sao lưu toàn bộ thiết bị, và lựa chọn đó là dịch vụ iCloud của riêng Apple. Và như chúng ta đã biết, iCloud chỉ cung cấp 5GB dung lượng miễn phí.
Các nguyên đơn nói rằng bằng cách này, Apple "ngăn cản đối thủ cung cấp giải pháp đám mây có thể cạnh tranh hiệu quả với iCloud". Do đó, Apple có thể chọn giới hạn dung lượng lưu trữ iCloud miễn phí ở mức 5GB và biết rằng hầu hết mọi người sẽ cần đăng ký và trả tiền cho thêm dung lượng chỉ để sao lưu thiết bị của họ.
"Các hạn chế của Apple loại bỏ sự lựa chọn đó và bằng cách đó, thực sự buộc người dùng thiết bị Apple phải sử dụng iCloud để lưu trữ đám mây. Về mặt kỹ thuật, Apple áp đặt cái mà các nhà kinh tế học gọi là ràng buộc theo 'yêu cầu'. Nghĩa là, nếu người dùng iPhone hoặc iPad muốn sử dụng lưu trữ đám mây, iCloud là lựa chọn duy nhất của họ để đáp ứng yêu cầu đó. Và đối với bất kỳ ai yêu cầu nhiều hơn 5GB dung lượng lưu trữ, tức là hầu hết khách hàng của Apple, họ sẽ phải trả tiền cho nó".
"Không có lý do chính đáng về mặt công nghệ hoặc bảo mật để Apple bắt buộc sử dụng iCloud", đơn kiện nêu rõ. "Apple chỉ đưa ra sự phân biệt này để hạn chế cạnh tranh và tạo lợi thế cho sản phẩm iCloud của mình so với các nền tảng đám mây đối thủ".
Nguyên đơn chính được đại diện bởi công ty luật Hagens Berman, đây cũng là công ty luật đứng sau một số vụ kiện tập thể khác chống lại Apple. Đáng chú ý nhất, công ty này đã xử lý vụ kiện tập thể trị giá 560 triệu USD cáo buộc Apple thao túng giá dịch vụ đọc sách Apple Books.
Theo Bình Minh (Nguoiduatin)