Phát biểu tại một hội thảo công nghệ ở thủ đô London, người đứng đầu NCSC Ciaran Martin cho biết cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan chính phủ phát hiện và ứng phó với 590 vụ tấn công mạng nghiêm trọng kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2016. Ông Martin không nêu cụ thể số vụ có liên quan tới tin tặc có yếu tố Nga.
Trước đó, ngày 13/11, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc Nga can thiệp vào "các cuộc bầu cử." Nhà lãnh đạo Anh cũng từng tuyên bố đã nhận được báo cáo về việc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hồi năm ngoái.
Theo bà, các hoạt động của tin tặc có yếu tố Nga nhằm mục đích "phá hủy các tổ chức truyền thông của chính phủ Anh để tạo tin tức giả và những hình ảnh được chỉnh sửa." Tuy nhiên, ngay sau đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết London không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về việc hệ thống bầu cử của nước này bị can thiệp trực tiếp.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các cáo buộc nêu trên của London, cho rằng chính quyền của Thủ tướng Anh tìm cách "đánh lạc hướng" dư luận trong nước trong bối cảnh bà May đang đối mặt với những chỉ trích liên quan tới nội các chia rẽ về vấn đề Brexit.
Giới chức Anh hiện đang điều tra "tin tức giả mạo" và các hoạt động được cho là có dấu hiệu can thiệp chính trị từ nước ngoài trên mạng xã hội.
London đã yêu cầu Facebook cung cấp báo cáo chi tiết về hoạt động quảng cáo có yếu tố Nga trong suốt cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi tháng 6/2016 và cuộc tổng tuyển cử diễn ra 1 năm sau đó.
Ủy ban Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao thuộc Quốc hội Anh đứng đầu cuộc điều tra này.
Theo ủy ban trên, những thông tin báo cáo mà cơ quan này yêu cầu Facebook cung cấp có liên quan tới thông tin về hoạt động quảng cáo, thông tin đăng tải trên các tài khoản có yếu tố Nga, đối tượng mà các thông tin, quảng cáo hướng tới, chi phí quảng cáo và lượng truy cập.
Ủy ban cũng đang tìm hiểu "hiện tượng tin tức giả mạo" mà trọng tâm là vai trò của các yếu tố nước ngoài khi sử dụng các diễn đàn xã hội để can thiệp vào vấn đề chính trị của quốc gia khác./.
Theo VietNam+