Amazon bị nghi ngờ thu thập dữ liệu trái phép

25/09/2018 10:30:14

Các nhà quản lý Liên minh châu Âu đang mở cuộc điều tra để giải đáp nghi vấn hãng bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Mỹ - Amazon có đang âm thầm thu thập dữ liệu của các đối thủ để tạo thế độc quyền hay không?

Thông tin trên được xác nhận bởi Cao ủy phụ trách lĩnh vực cạnh tranh thương mại của EU Margrethe Vestager vào ngày 19/9 vừa qua.

Theo đó, cuộc điều tra này là hoạt động nằm trong kế hoạch làm giảm sự kiểm soát thị trường/ thế độc quyền của các hãng lớn như Google, Amazon, Apple, Facebook... . Hiện các ông lớn này đều đang phải đối mặt với những lời kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh hơn để tăng cường tính cạnh tranh công bằng trên thị trường từ các giới chức Châu Âu.

Amazon bị nghi ngờ thu thập dữ liệu trái phép

Trên thực tế, hiện tại, nửa số hàng hóa được bán trên trang web của Amazon trên toàn cầu đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm ngoái, thông qua Amazon, các hãng bán lẻ bên thứ ba ở Anh đã kiếm được hơn 2,3 tỷ bảng (3,03 tỷ USD) giá trị sản phẩm ngoài nước trong khi ở Đức, các nhà bán lẻ đã kiếm được 2,1 tỷ euro (2,45 tỷ USD) bên ngoài nước Đức.

Bà Vestager cho biết vấn đề của Amazon là hãng này lưu trữ thông tin của các công ty kinh doanh trên trang web của họ và đồng thời cạnh tranh chính với những nhà bán lẻ đó bằng cách sử dụng dữ liệu của họ để tìm hiểu thông tin khách hàng, từ đó tạo ra những sản phẩm cạnh tranh.

Amazon bị nghi ngờ thu thập dữ liệu trái phép - 1
 Bà Margrethe Vestager - Cao ủy phụ trách lĩnh vực cạnh tranh thương mại của EU.

"Chúng tôi quan tâm đến dữ liệu. Có thể Amazon lấy dữ liệu từ các nhà bán lẻ trên hệ thống của họ một cách hoàn toàn hợp pháp, với mục đích là cải thiện dịch vụ, nhưng sau đó Amazon sử dụng cho mục đích riêng của họ thì sao? Những dữ liệu này có thể tiết lộ mặt hàng tiềm năng, người tiêu dùng muốn mua gì, muốn nhận khuyến mãi ra sao, hay yếu tố nào khiến họ quyết định mua hàng", bà Vestager chia sẻ.

"Chúng tôi đang thu thập thông tin về vấn đề này và chúng tôi đã gửi khá nhiều bảng câu hỏi cho các hãng bán lẻ để hiểu rõ vấn đề này," bà Vestager nói trong cuộc họp báo ngày 19/9.

Trước đó, vào tháng 7/2018, chính bà Vestager là người đưa ra khoản phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ USD cho Google về hành vi độc quyền của công ty này.

Ngay sau đó, bà Vestager đã chuyển mục tiêu sang Apple, với lý do công ty sử dụng cổng sạc Lightning độc quyền, trái với những thỏa thuận từng ký trước đây. Năm 2016, Liên minh châu Âu phán quyết Apple phải thanh toán 16 tỷ USD tiền thuế cho Ireland, và công ty phải mất tới 2 năm để hoàn trả khoản thuế này.

Phía Amazon hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Nếu bị phát hiện vi phạm luật cạnh tranh, các công ty như Amazon có thể bị EU phạt tiền lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ.

Theo Trần An (Sohuutritue.net)

Nổi bật