AirVisual là ai?
AirVisual là tên ứng dụng và website của IQAir AirVisual. Tổ chức IQAir AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Đây là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí.
Dữ liệu của IQAir AirVisual được thu thập từ các trạm quan trắc không khí của nhiều chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Thông tin quan trọng nhất trong dữ liệu của IQAir AirVisual là chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Các chỉ số theo dõi chất lượng không khí được IQAir AirVisual cập nhật liên tục tại website AirVisual.com và ứng dụng AirVisual trên 2 nền tảng hệ điều hành Android và iOS.
Bên cạnh việc công bố các chỉ số về chất lượng không khí. Khi vào website của IQAir AirVisual, có thể thấy đơn vị này còn đang kinh doanh 2 mặt hàng là khẩu trang chống ô nhiễm với giá 69 USD và thiết bị giám sát chất lượng không khí tại nhà với giá 295 USD.
Với thiết bị giám sát tại nhà AirVisual Pro, các thông tin về chỉ số chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời sẽ được hệ thống cập nhật liên tục. Đáng chú ý khi IQAir AirVisual còn cung cấp giải pháp đảm bảo chất lượng không khí trong các tòa nhà.
Kết quả đo của AirVisual có chính xác không?
Chia sẻ mới đây với báo giới, ông Louise Watt, phát ngôn viên của IQAir AirVisual cho biết, tại Hà Nội, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc , Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và các tổ chức phi chính phủ.
Tại TP HCM, IQAir AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm gồm Lãnh sự quán Mỹ và các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual.
Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value).
Tuy vậy, trước những thông tin do IQAir AirVisual cung cấp về chất lượng không khí đáng báo động của Hà Nội và TP.HCM mấy ngày gần đây, nhiều người cảm thấy nghi ngờ về kết quả đo của đơn vị này.
Lý do là bởi IQAir AirVisual vẫn chưa cung cấp được một cách đầy đủ cách thức mà họ đánh giá chất lượng không khí. Hơn thế nữa, để đánh giá chính xác chất lượng không khí của một thành phố, cần phải so sánh số liệu từ nhiều trạm, với mỗi trạm được đo vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.
Trao đổi với Pv. VietNamNet, chị Nguyễn Hoài - phóng viên chuyên theo dõi mảng môi trường cho rằng, độ tin cậy trong kết quả đo của ứng dụng AirVisual không cao.
Lý giải cho điều này, chị Hoài cho biết AirVisual sử dụng 2 nguồn dữ liệu chính từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND Hà Nội và hệ thống quan trắc chỉ số AQI tại Đại sứ quán Mỹ.
“Đây đều là 2 nguồn dữ liệu có chất lượng. Tuy nhiên nguồn từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội có tốc độ cập nhật dữ liệu chậm. Các chỉ số nhìn thấy tại Cổng thông tin này ở địa chỉ moitruongthudo.vn thường không phải là dữ liệu thời gian thực. Trong khi đó, hệ thống quan trắc chỉ số AQI tại Đại sứ quán Mỹ tuy có độ tin cậy cao nhưng thi thoảng lại gặp vấn đề”, chị Hoài nói.
Ngoài 2 nguồn này, IQAir AirVisual còn sử dụng kết quả đo từ các khách hàng là cá nhân, tổ chức mua thiết bị đo của hãng. Độ tin cậy của dữ liệu từ nguồn này thường thấp vì không thường xuyên được bảo dưỡng và hiệu chuẩn để tăng độ chính xác.
Đáng chú ý khi AirVisual còn sử dụng số liệu không phải từ trạm đo thực tế mà thông qua ảnh vệ tinh. Các dữ liệu viễn thám này sau khi được đưa vào mô hình tính toán sẽ cho ra kết quả là các chỉ số chất lượng môi trường không khí. Điều này đã dẫn tới sự sai lệch nhất định trong số liệu.
Theo chị Hoài, do là đơn vị bán thiết đo, AirVisual ít phải chịu trách nhiệm với các số liệu tổng hợp được công bố của mình. Bên cạnh đó, việc IQAir AirVisual vừa bán thiết bị đo vừa công bố xếp hạng cũng sẽ làm mất đi tính khách quan của số liệu. Do vậy, người dùng Việt Nam chỉ nên lấy các chỉ số được cung cấp bởi AirVisual như một nguồn dữ liệu tham khảo.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)