Ai hưởng lợi từ lệnh cấm TikTok

15/08/2020 08:22:50

Việc chính quyền Trump cấm TikTok sẽ giúp Google, Facebook loại bớt đối thủ, ít nhất là tại thị trường Mỹ.

Zhang Yiming thành lập ByteDance vào năm 2015. Khi đó, công ty chỉ là một doanh nghiệp nhỏ trong một "rừng" startup công nghệ được chính phủ Trung Quốc khuyến khích và đẩy mạnh. Nhưng chỉ sau 5 năm, ByteDance, với ứng dụng chính là TikTok được xây dựng bởi đội ngũ nhân sự trẻ, đã trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, ước tính hơn 100 tỷ USD. Việc công ty phát triển nhanh chóng mang về cho Yiming, khi đó mới 32 tuổi, khối sản hơn 22 tỷ USD.

Nhưng Yiming có tham vọng lớn. Kế hoạch tiếp theo của ông là tăng doanh thu trên toàn cầu lên một tỷ USD, cao hơn so với mức 300 triệu USD năm 2019. Bên cạnh đó, chiến lược của CEO trẻ tuổi là đổ hàng tỷ USD vào việc tạo và tiếp thị nội dung, nhằm biến TikTok thành một thế lực truyền thông. Tham vọng đó mới đây đã bị chặn đứng bởi lệnh cấm từ chính quyền Tổng thống Mỹ, Donald Trump.

Ai hưởng lợi từ lệnh cấm TikTok
Facebook là nền tảng có lợi đầu tiên nếu lệnh cấm TikTok tại Mỹ được ban hành. Ảnh: Scmp.

Facebook và Microsoft là những hãng công nghệ của Mỹ được hưởng lợi đầu tiên từ lệnh cấm của Trump. Facebook sẽ loại được một đối thủ cạnh tranh tại Mỹ và sớm đưa tính năng Reels trên Instagram thành nền tảng thay thế TikTok. Còn Microsoft có thêm mảng kinh doanh mới. Các công ty công nghệ khác cũng sẽ có những tác động nhất định khi TikTok bị cấm hoặc bị thâu tóm. Bằng cách loại một trong những đối thủ cạnh tranh có tầm cỡ quốc tế, Trump đã dành cho thung lũng Silicon một món quà lớn.

Tại Trung Quốc, Facebook hay Google đã bị cấm từ lâu. Trong khi đó, các phần mềm Trung Quốc lại được hoạt động ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Thành công của TikTok đang khiến không ít công ty ở thung lũng Silicon ghen tị.

Trong hơn một thập kỷ qua, các lĩnh vực quan trọng về công nghệ vẫn do các công ty Mỹ nắm giữ. Chẳng hạn, Microsoft đang đứng đầu về phần mềm, Google là công cụ tìm kiếm, hay Facebook là mạng xã hội. Việc một công ty như TikTok vươn lên mạnh mẽ khiến chính quyền Washington dè chừng.

Huawei cũng đang nằm trong vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy vậy, bản chất của hai công ty là khác nhau. Huawei - doanh nghiệp được thành lập những năm 1980 được cho là có liên kết với chính quyền Trung Quốc. Sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei cũng là một cựu sĩ quan của quân đội Trung Quốc. Trong khi, cha mẹ của Yiming là công chức nhà nước, bản thân ông cũng từng xung đột với chính quyền. Công ty của Yiming bắt đầu như một startup tự gây vốn thay vì nhận được đầu tư lớn của chính phủ.

Dù vậy, TikTok lẫn Huawei đang cùng có điểm chung, đó là trở thành công cụ địa chính trị trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cả hai khó có một kết thúc có hậu.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)

Nổi bật