8 công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật bán dẫn

05/09/2024 14:18:39

Tám công ty bị nêu tên trong đó có gã khổng lồ thiết bị chip Naura Technology Group - doanh nghiệp có khách hàng là nhiều công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.

SCMP đưa tin, 8 công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có gã khổng lồ thiết bị chip Naura Technology Group, đã bị cáo buộc “đi đêm” thu hút nhân tài bán dẫn và đánh cắp bí mật thương mại, giữa bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực tự chủ công nghiệp bán dẫn.

Cơ quan chức năng tại Đài Loan (Trung Quốc), trong thông cáo hôm 4/9 cho biết, họ đã đột kích 30 địa điểm và thẩm vấn 65 cá nhân tại bốn thành phố, bao gồm Đài Bắc và Tân Trúc.

Cơ quan này phát hiện ra rằng tám công ty đại lục bị tình nghi “săn trộm” nhân tài và đánh cắp bí mật thương mại; kết luận hành vi "gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ cao" của đối thủ.

Tám công ty bao gồm Naura, iCommsemi, Shanghai New Vision Microelectronics, Nanjing Aviacomm Semiconductor, Emotibot, Tongfang, Chengdu Analog Circuit Technology và Hestia Power.

8 công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật bán dẫn
Naura là công ty cung ứng thiết bị chip cho nhiều tên tuổi bán dẫn lớn của Trung Quốc đại lục. Ảnh: SCMP

Naura, công ty sản xuất các công cụ khắc, lắng đọng và làm sạch, cũng như các thiết bị sản xuất chip khác, bị cáo buộc đã “săn trộm” nhân tài bán dẫn.

Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh với khách hàng là những tên tuổi sản xuất chip lớn nhất đại lục như SMIC, Yangtze Memory Technologies Corporation và Hua Hong Semiconductor Group.

Trong nhóm công ty bị nêu tên, iCommsemi và New Vision Microelectronics chuyên về thiết kế chip. Emotibot phát triển các nền tảng trí tuệ nhân tạo tự động dựa trên các công nghệ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học sâu.

Cơ quan điều tra cho biết, Hestia Power - công ty chuyên phát triển vật liệu chip trụ sở Thượng Hải, đã nhận được tiền tài trợ từ “Big Fund” - quỹ đầu tư nhà nước của Trung Quốc thành lập nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Tongfang niêm yết tại Thượng Hải, trước đây được gọi là Tsinghua Tongfang, được thành lập bởi Đại học Thanh Hoa vào năm 1997.

Hiện tại, công ty này do Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc sở hữu, nhà nước kiểm soát và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, năng lượng và môi trường.

Tongfang bị cáo buộc lôi kéo gần 100 nhân viên nghiên cứu và phát triển thông qua một công ty trung gian.

Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực tự chủ trong ngành công nghiệp chip, khi Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để hạn chế các lô hàng công nghệ bán dẫn tiên tiến xuất hiện tại đại lục.

Tháng trước, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ra mắt một quỹ đầu tư bán dẫn với số vốn đăng ký là 8,5 tỷ NDT (1,2 tỷ USD), theo cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc Qichacha.

Sự kiện này diễn ra 3 tháng sau khi Trung Quốc thành lập quỹ đầu tư chip lớn nhất từ ​​trước đến nay (đã bước sang giai đoạn ba), với số vốn đăng ký là 344 tỷ NDT.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)

Nổi bật