Tại họp báo trước thềm Hội nghị Di động Thế giới MWC Thượng Hải 2021, Ryan Ding, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Nhóm kinh doanh nhà mạng của Huawei, cho biết hiện có khoảng 140 mạng 5G thương mại được triển khai tại 59 quốc gia. Hơn 50% trong số này do Huawei tham gia xây dựng.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái 5G cũng đang hoàn thiện hơn. Tại Trung Quốc, 68% số smartphone được xuất xưởng trong năm 2020 là điện thoại 5G. Hơn 200 module 5G và thiết bị công nghiệp đã có sẵn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ kết nối mới này trong nhiều ngành công nghiệp.
"5G đang trở thành một phần của quy trình sản xuất cốt lõi trong các ngành công nghiệp", ông Ding đánh giá và bày tỏ sự lạc quan về triển vọng triển khai quy mô lớn các ứng dụng công nghiệp 5G trong năm 2021.
Các ứng dụng 5G đang được triển khai trong hơn 20 ngành công nghiệp, như sản xuất, giáo dục, y tế và hậu cần. Tại Trung Quốc, ứng dụng công nghiệp 5G đã chứng tỏ giá trị của chúng. Ví dụ trong khai thác than và luyện thép, việc sử dụng 5G giúp sản xuất an toàn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.
Đại diện Huawei nhấn mạnh: "5G không còn là khái niệm mới mẻ mà nó đang cải thiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 2021 sẽ là năm đầu tiên có các ứng dụng công nghiệp 5G quy mô lớn".
Trước đó, trong sự kiện khai trương phòng thí nghiệm đổi mới ngành khai thác than đầu tháng 2 ở Tây An (Trung Quốc), nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho biết Huawei sẵn sàng chuyển giao và chia sẻ công nghệ 5G cho các công ty Mỹ, từ quyền phát triển, chương trình và mã nguồn cho đến những bí mật phần cứng và thiết kế chip.
"Khi nhân loại không ngừng tiến bộ, không công ty nào có thể phát triển một ngành công nghiệp toàn cầu hóa một mình. Nó đòi hỏi sự nỗ lực chung trên toàn thế giới", ông Nhậm nói,
Theo đánh giá của các hãng nghiên cứu thị trường như IHS, P3, OpenSignal và Meqyas, trong năm 2020, các mạng 5G tốt nhất ở Seoul, Amsterdam, Madrid, Zurich, Hong Kong và Riyadh đều do Huawei xây dựng.