Một nghiên cứu mới công bố của Viện Internet Oxford (OII) đưa ra những dự đoán thú vị về số lượng người dùng Facebook trong tương lai, nhất là số lượng tài khoản của những người đã qua đời.
Đặt giả thuyết Facebook không tăng trưởng người dùng kể từ năm 2018, các nhà khoa học dự tính số tài khoản của người qua đời sẽ đạt 1,4 tỷ vào năm 2100. Như vậy, đến khoảng năm 2070 thì số tài khoản của người chết sẽ nhiều hơn số người sống.
Trong trường hợp tốc độ tăng trưởng người dùng của Facebook tiếp tục ở mức khoảng 13%/năm như hiện tại, đến năm 2100 số tài khoản của người qua đời sẽ đạt đến 4,9 tỷ người. Tất nhiên, giả thuyết này cũng khó xảy ra, bởi càng nhiều người dùng, tốc độ tăng trưởng sẽ càng chậm.
Trong thực tế, số lượng tài khoản của người đã qua đời sẽ nằm giữa 2 con số trên. Điều này đặt ra câu hỏi dữ liệu của những người qua đời, bao gồm toàn bộ ảnh, chia sẻ của họ sẽ được xử lý như thế nào.
Theo ông Carl Ohman, nhà khoa học tham gia nghiên cứu này, nghiên cứu đặt ra vấn đề “ai sẽ có quyền kiểm soát dữ liệu này, nó nên được quản lý như thế nào để tốt nhất cho bạn bè, người thân của người quá cố, và liệu những nhà nghiên cứu có thể sử dụng chúng để hiểu rõ hơn về quá khứ”.
“Trong lịch sử, chưa từng có một lượng dữ liệu về hành vi và văn hóa con người lớn đến như vậy được tập trung vào một chỗ. Kiểm soát lượng dữ liệu này cũng giống như kiểm soát lịch sử”, đồng tác giả David Watson nhận xét. Theo Guardian, ông Watson cho rằng không nên để quyền kiểm soát dữ liệu nằm trong tay “một công ty duy nhất hoạt động vì lợi nhuận”.
Chỉ trong hơn 1 năm qua, Facebook đã liên tiếp gặp các sự cố liên quan đến dữ liệu người dùng. Trong tháng 4, có thông tin cho rằng Ủy ban Fhương mại Mỹ FTC sẽ phạt công ty này đến 5 tỷ USD. Cơ quan quản lý Canada đang tìm cách trừng phạt Facebook, trong khi bang New York cũng sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với công ty này.
Hiện tại, người dùng Facebook có thể chọn một người dùng tin cậy để truy nhập thông tin của mình trong trường hợp không may qua đời. Tài khoản người quá cố khi đó cũng sẽ được chuyển về dạng “tưởng nhớ”. Tuy nhiên, nếu người dùng chưa chọn tài khoản tin cậy thì khi họ qua đời, không ai có thể truy cập dữ liệu của họ.
Nói về kết quả của nghiên cứu này, một đại diện Facebook cho rằng họ “rất nghiêm túc trong việc số hóa di sản của một người trong thời đại số”.
Theo những nhà nghiên cứu của Oxford, các con số trong báo cáo cho thấy cần sớm có sự thay đổi, thậm chí một số người nên ghi lại mật khẩu mạng xã hội trong di chúc.
“Facebook nên mời những nhà nhân khẩu học, chủng tộc học hay nhà khảo cổ để tham gia vào quá trình xử lý một lượng lớn dữ liệu mà con người để lại sau khi qua đời. Giải pháp đưa ra không chỉ dành cho thời gian gần, mà là cho hàng chục năm trong tương lai”, tác giả nghiên cứu David Watson chia sẻ.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)