5 điều cần biết về lệnh cấm bán iPhone 16 của Indonesia

29/11/2024 09:00:31

Indonesia gần đây từ chối đề nghị đầu tư 100 triệu USD của Apple và tiếp tục giữ lệnh cấm bán iPhone 16 trong nước.

Trung tâm của vấn đề là các yêu cầu “hàm lượng nội địa” của Indonesia và sự lưỡng lự của Apple trong việc xây dựng các nhà máy ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Chính phủ Indonesia lập luận đề xuất của nhà sản xuất iPhone không nhất quán với “nguyên tắc công bằng”, chỉ ra các hãng khác như Samsung, Oppo đều đã mở nhà máy tại đây.

Dưới đây là 5 điều cần biết về tranh chấp giữa Indonesia và Apple:

Indonesia muốn gì? Yêu cầu hàm lượng nội địa là gì?

Theo Nikkei, Indonesia không muốn là mục tiêu đơn thuần cho những “gã khổng lồ” thế giới mà khao khát phát triển năng lực sản xuất công nghệ riêng.

Chính sách về hàm lượng nội địa của Indonesia áp dụng cho các ngành công nghiệp khác nhau, từ tấm pin mặt trời đến xe điện. Nó được thiết kế để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư và tạo ra một chuỗi cung ứng giá trị gia tăng trong nước.

Đối với thiết bị điện tử, quốc gia này yêu cầu tất cả các thiết bị điện tử có kết nối di động phải chứa ít nhất 35% linh kiện được sản xuất trong nước.

5 điều cần biết về lệnh cấm bán iPhone 16 của Indonesia
iPhone 16 được trưng bày tại một triển lãm ở Thái Lan. Ảnh: Shutterstock

Nếu không đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp có thể sử dụng các cơ chế thay thế như phần mềm phát triển hay cơ sở R&D nội địa. Apple đã chọn phương án xây dựng Học viện Apple tại ba địa điểm ở Indonesia. Hãng cam kết đầu tư 1,7 nghìn tỷ rupiah (106,7 triệu USD) trong năm 2023 để đổi lấy việc các sản phẩm được bán tại đây.

Tại sao đề xuất 100 triệu USD mới của Apple bị từ chối?

Apple chưa thực hiện 300 tỷ rupiah so với cam kết cho năm 2023 và chính phủ Indonesia phản ứng bằng cách không cấp giấy phép bán hàng cho dòng iPhone 16. Ban đầu, Apple muốn giải quyết bằng cách trả phần thiếu hụt bằng tiền mặt và đề xuất đầu tư thêm 10 triệu USD. Chính phủ không đồng ý.

Tuần trước, Apple sửa đổi đề xuất và đưa ra mức đầu tư mới trị giá 100 triệu USD. Các quan chức Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, đề xuất này bao gồm việc thành lập Học viện Apple mới và xây dựng một cơ sở sản xuất miếng đệm được sử dụng trong tai nghe AirPods Max vào tháng 7/2025. Đề xuất này cũng bị từ chối.

Hôm 25/11, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita nói với các phóng viên tại Jakarta rằng, chính phủ đã so sánh đề xuất sửa đổi của Apple với sự đóng góp từ các thương hiệu smartphone khác và thấy nó không phù hợp.

"Chúng tôi cũng đang đánh giá giá trị gia tăng, thu ngân sách nhà nước và tác động tạo việc làm" của đề xuất, Bộ trưởng nói. Đề xuất hiện tại của Apple, ông nói thêm, không phù hợp với "nguyên tắc công bằng".

Tại sao Apple do dự xây dựng nhà máy ở Indonesia?

Sẽ là thách thức đối với Apple trong việc đáp ứng hàm lượng nội địa của Indonesia vì nước này thiếu sự hiện diện của một hệ sinh thái cần thiết để đạt hiệu quả sản xuất và chi phí.

Apple đã tập trung nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc tại Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Theo danh sách đối tác năm 2023 của hãng, chỉ có một nhà cung cấp linh kiện có nhà máy ở Indonesia, còn Việt Nam có 35 và Ấn Độ có 14.

Một số nhà cung ứng chính của Apple, như Pegatron và Flex, có nhà máy trên đảo Batam của Indonesia, nhưng họ không sản xuất các bộ phận hoặc sản phẩm cho Apple ở đây.

Nếu Apple muốn tăng tỷ lệ sản xuất ở Indonesia, sẽ cần đầu tư đáng kể và cần xác định xem việc tiếp cận thị trường Indonesia có đáng hay không. iPhone chỉ chiếm 1% thị trường smartphone Indonesia trong ba quý đầu năm 2024, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Canalys. Song, đây cũng là một trong số ít nơi còn lại mà “táo khuyết” nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Bộ Công nghiệp ước tính Apple kiếm được 30 nghìn tỷ rupiah từ việc bán sản phẩm ở Indonesia vào năm 2023.

Indonesia ứng xử như thế nào đối với các hãng smartphone khác?

Samsung đã chi ít nhất 20 tỷ USD để xây dựng các nhà máy ở Indonesia. Oppo gần đây đã mở rộng và nâng cấp nhà máy ở ngoại ô Jakarta, biến Indonesia trở thành cơ sở sản xuất lớn thứ hai ở nước ngoài.

Các thương hiệu khác như Xiaomi và Asus đang hợp tác với các nhà sản xuất địa phương về sản xuất linh kiện.

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Bộ Công nghiệp đã triệu tập Apple để đàm phán thêm về các đề xuất đầu tư của công ty. "Chúng tôi khuyến nghị Apple xem xét thành lập các cơ sở sản xuất tại Indonesia", Bộ trưởng Kartasasmita cho biết. "Điều này sẽ loại bỏ sự cần thiết phải đệ trình các kế hoạch đầu tư mới ba năm một lần”.

Theo Bộ trưởng, dù chỉ có một nhà cung cấp linh kiện cho Apple ở Indonesia, nước này có 17 công ty đủ điều kiện để trở thành một phần của chuỗi cung ứng cho hãng.

Ông Kartasasmita cho biết thêm, Bộ đang xem xét sửa đổi các phương pháp tính toán hàm lượng nội địa để thích ứng với động lực phát triển của sản xuất công nghệ cao và đảm bảo rằng các nguyên tắc công bằng được duy trì.

Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani cho biết, chính phủ sẽ thiết kế các giải pháp "công bằng nhất" cho tất cả các công ty.

Theo Du Lam (VietNamNet)