Vào năm 2017, AppDynamics chỉ còn vài ngày nữa lên sàn thì gã khổng lồ công nghệ truyền thông Cisco đã đưa ra đề nghị mua lại công ty AppDynamics với giá 3,7 tỷ USD.
Với tư cách là founder (người sáng lập) và chủ tịch công ty, trước sau ông cũng có thể trở nên giàu có. Nhưng ông cho biết chỉ có một trong hai lựa chọn có thể giúp nhân viên cũng giàu tương tự.
Phát ngôn viên của Bansal cho biết sau khi ông chấp nhận lời đề nghị, khoảng 400 nhân viên của AppDynamics đã chứng kiến giá trị số cổ phiếu công ty mà họ nắm giữ tăng lên ít nhất 1 triệu USD.
Bansal nói với CNBC Make It: “Chúng tôi có hàng chục nhân viên có số cổ phiếu trị giá tới 5 triệu USD”.
Ông cho biết quyết định bán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như Cisco cảm thấy phù hợp với các sản phẩm phần mềm của AppDynamic. Ông cũng cân nhắc việc bán sẽ ảnh hưởng đến gần 1.200 nhân viên công ty như thế nào.
Nhà sáng lập Bansal cũng so sánh các dự báo sau khi IPO với định giá từ Cisco để cân nhắc lựa chọn nào mang tính kinh tế hơn. Ông ước tính rằng để đạt được vốn hóa thị trường 3,7 tỷ USD cần 3-4 năm tăng trưởng xuất sắc. Ông thiết nghĩ nên giảm thiểu rủi ro của 3-4 năm đó cho nhân viên của mình.
Tuy nhiên, sau khi bán, Bansal thực sự hối hận về lựa chọn của mình. Ông tin rằng mình có thể tiếp tục phát triển AppDynamics và cảm thấy vô định nếu không có một công ty khởi nghiệp để điều hành.
Hiện tại, ông là CEO và đồng sáng lập hai công ty khởi nghiệp phần mềm khác là Traceable và Harness. Trong đó, Harness được định giá 3,7 tỷ USD vào năm 2022.
Dù hối tiếc, Bansal cho biết việc bán là quyết định đúng đắn dựa trên thông tin ông có vào thời điểm đó. Ông nói thêm rằng thương vụ này cũng có ý nghĩa về mặt tài chính với ông. Vì theo hồ sơ nộp lên SEC, Bansal sở hữu hơn 14% cổ phần công ty.
Những người sáng lập công ty khởi nghiệp không phải lúc nào cũng cân nhắc nghiêm túc đến nhân viên của mình khi tranh luận về việc có nên bán công ty của họ hay không.
Khi công ty an ninh mạng đám mây Zscaler được VeriSign mua lại với giá 70 triệu USD vào năm 1998, nhà sáng lập kiêm CEO Jay Chaudhry không nhận ra tác động của đợt bán này đối với nhân viên của mình.
Ít nhất 70 trong số 80 nhân viên của công ty đã trở thành triệu phú trên giấy tờ khi cổ phiếu của VeriSign tăng vọt hai năm sau đó.
"Rất nhiều người trong số họ đã mua nhà mới. Họ đã mua ô tô mới. Tôi biết một anh chàng đã nghỉ 6 tháng để thuê một căn nhà di động đi khắp đất nước”, Chaudhry cho biết.
Theo Thiên Di (Nhịp Sống Thị Trường)