Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) sau gần một năm triển khai Bản cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, tổng số thuê bao có dấu hiệu nghi vấn là hơn 28 triệu, sau đó đã có khoảng 4 triệu SIM thuê bao đã đi đăng ký lại thông tin (sau khi nhận được thông báo từ doanh nghiệp viễn thông) hoặc đã bị hủy, khóa (do hết hạn sử dụng).
Tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là hơn 24 triệu, tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt. Sau đó, giải pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã tạm thời dừng để doanh nghiệp tập trung thực hiện các quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Cũng theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến 15-3-2018, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.
Đối với việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác trên mạng di động, sau 10 tháng triển khai, số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu; số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể.
Phát biểu kết luận buổi làm việc Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý, với việc chụp ảnh, khi có chứng minh thư nhân dân chính chủ, có thể lấy ảnh chứng minh nhân dân còn trong hạn sử dụng làm ảnh chụp.
Với các thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thêm các cơ sở dữ liệu còn thiếu, cần tìm cách linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cần xem xét để sớm trình Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP cho hợp lý. Ví dụ đã có chứng minh thư nhân dân mới trong năm năm thì có cần chụp nữa không, hay lấy luôn ảnh đó nhằm đảm bảo thuận lợi cho khách hàng. Các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện để các thuê bao trả trước chuyển sang thuê bao trả sau và khuyến khích thuê bao trả sau.
Theo V.Thịnh (Pháp Luật TPHCM)