Rahma vẫn có thể nói năng bình thường nhưng tay chân co quắp, không phát triển. Ảnh: Barcroft Media |
Rahma Haruna, 19 tuổi, đến từ Kano, Nigeria, chào đời khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi được 6 tháng tuổi, cô bắt đầu phải chịu đựng những cơn đau đớn do mắc phải bệnh lạ.
Căn bệnh khiến tay và chân của Rahma không phát triển. The Sun dẫn lời bà Fadi, mẹ cô, giải thích: "Từ khi 6 tháng tuổi, lúc con bé học ngồi, cũng là bệnh bắt đầu biểu hiện. Con bé không thể bò. Ban đầu, nó lên cơn sốt, rồi chuyển sang đau bụng. Tiếp đó là các bộ phận khác trên cơ thể như tay, chân bị ảnh hưởng".
Khi các cơn đau càng lúc càng nhiều lên, Rahma mất khả năng tự làm những việc mình muốn và phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, người thân trong các sinh hoạt hằng ngày. Fahad, cậu em trai 10 tuổi của Rahma, chính là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc, lo lắng cho chị gái. Rahma được đặt trong một chiếc chậu nhựa để tiện chăm sóc.
"Cháu giúp chị ấy bằng nhiều cách. Cháu thường tắm táp, đưa chị ấy ra ngoài chơi mỗi ngày. Cháu thấy vui khi mọi người cũng giúp đỡ chị ấy. Mỗi khi được đưa đến gặp họ hàng, chị cháu thích lắm", Fahad nói.
Fahad, cậu em trai 10 tuổi của Rahma, là người chăm sóc chính cho chị. Ảnh: Barcroft Media |
Tuy đã được đưa đi kiểm tra vài lần nhưng hiện căn bệnh của cô vẫn chưa có chẩn đoán chính xác. Một số người còn cho rằng thiếu nữ này bị một nguồn lực siêu nhiên trong thần thoại Hồi giáo tác động.
Ngoài việc chăm sóc cho Rahma, cả gia đình cô cũng đã làm hết khả năng để tìm ra căn bệnh mà cô mắc phải.
"Tôi đã mất 15 năm tìm kiếm cách chữa bệnh cho con. Tôi làm ruộng, ra chợ bán hàng và làm nhiều việc khác cốt để kiếm tiền thuốc thang cho nó. Tôi bán gần như tất cả những tài sản trong nhà. Đến nay tôi đã tiêu tốn khoảng 3.500 USD", ông Hussani, bố của Rahma, nói.
Chiếc chậu nhựa là nơi sống của Rahma từ bé đến nay. Ảnh: Barcroft Media |
Cả gia đình cũng thực hiện một chiến dịch với hy vọng tổ chức từ thiện hay chuyên gia y tế nào đó sẽ biết đến trường hợp của con gái, từ đó cho họ vài lời khuyên hữu ích. Đến nay họ nhận được nhiều món quà có giá trị. Một người hảo tâm còn tặng gia đình ông Hussani chiếc xe lăn, để cả nhà đưa đón Rahma dễ dàng hơn.
Tuy hằng ngày phải chịu đựng những cơn đau, Rahma vẫn không để căn bệnh lạ dập tắt những ước mơ và hy vọng của chính mình.
"Tôi cảm ơn Chúa vì tất cả. Giờ đây tôi muốn bắt tay vào kinh doanh, có thể tôi sẽ bán hàng tạp hóa hay bất kể những gì mà người ta mua", Rahma nói.
Theo Hướng Dương (Ngoisao.net)