Là một vùng khai thác than đá với dân số chỉ vỏn vẹn 2 nghìn người, song thị trấn Longyearbyen (Na-Uy) lại tương đối nổi tiếng, âu cũng vì vị trí của nó.
Nằm trên quần đảo Svalbard cách không xa Bắc Cực, dễ hiểu khi thành phố nhỏ bé này có thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Vào tháng 2, nhiệt độ trung bình ở đây là -17°C, cá biệt có thời điểm xuống thấp tới -46,3°C.
Và cũng chính nhiệt độ khắc nghiệt này là khởi nguồn của một đạo luật hết sức kỳ lạ: Cấm tất cả mọi người không được chết tại Longyearbyen.
Longyearbyen - nơi chết là phạm pháp
Năm 1918, một đại dịch cúm đã xảy ra trên toàn châu Âu, khiến 500 triệu người mắc bệnh. 1/5 số đó chết, trong đó có 11 người của Longyearbyen. Dịch cúm sau đó được dập tắt, xác chết được chôn đi, và tưởng như mọi chuyện đã chìm vào quên lãng.
Nhưng không! Nhiều năm sau, các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện các tử thi này không hề bị phân hủy. Lớp đất đóng băng vĩnh cửu đã bảo quản các xác chết quá tốt, đến mức thậm chí virus trong người các nạn nhân cũng không hề bị mất đi.
Lo sợ bệnh dịch phát tán, năm 1950, chính quyền địa phương đã ra một đạo luật có 1-0-2: không cho phép bất kỳ ai được mai táng dưới lòng đất của thị trấn này.
Tháng 8/1998, một đoàn nghiên cứu do bác sĩ Kirsty Duncan dẫn đầu đã khảo sát khu vực này. Họ phân tích mô từ thi thể một người đàn ông đã chết và tìm thấy virus cúm (influenza virus) vẫn còn sống sau trận đại dịch 80 năm về trước. Như vậy, sự lo lắng về một đợt dịch cúm bùng phát trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở.
Giải thích về luật cấm người dân chết, chuyên gia Jan Christian Meyer đến từ ĐH Khoa học và Công nghệ Na-Uy nói: "Ở Svalbard (Na Uy) đúng là có luật này, bởi băng tuyết vĩnh cửu không chỉ giữ các tử thi không bị thối rữa, mà còn đẩy chúng trồi lên trên mặt đất. Vì vậy, mỗi khi ai đó sắp lìa đời, họ sẽ được mang vào đất liền để chôn cất."
"Và nếu không kịp vào đất liền, họ cũng không được mai táng ở đây đâu, vì dịch vụ tang lễ không được phép làm vậy. Giải pháp khả thi duy nhất là hỏa thiêu." – ông Meyer nói.
Việc thực thi luật "cấm chết" ở Longyearbyen còn trở nên khó khăn hơn, bởi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt cùng những hiểm họa thiên nhiên luôn đe dọa người dân ở đây.
Vào tháng 2/2017, một trận lở tuyết làm đổ sập một ngôi nhà, bên trong có 4 người lớn và 2 trẻ em. Rất may không có ai bị thương, nhưng cũng tại khu vực này 2 năm trước đó, một trận lở tuyết khác đã khiến 2 người bỏ mạng.
Gấu Bắc cực cũng thường xuyên tấn công người, đến mức người dân được khuyến cáo mang theo vật dụng để tự vệ.
Theo Minh Hòa (Helino)