Tê giác non bên cạnh con mẹ Damara. Ảnh: The Aspinall Foundation |
Số lượng tê giác đen hoang dã ngày một giảm mạnh do tình trạng săn bắn sừng tê để bán sang châu Á. Đây là thị trường mang lại món lời béo bở cho các tay săn trộm vì người dân châu Á tin rằng, sừng tê giác có những công dụng chữa bệnh thần kỳ.
Công viên động vật hoang dã Howletts bắt đầu nỗ lực bảo tồn tê giác đen từ năm 1971. Sự chào đời của cá thể tê giác đen đầu tiên đối với các nhân viên ở đây được xem là tín hiệu đầy hứa hẹn cho tương lai của loài động vật đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Tê giác mẹ luôn để mắt theo dõi khi con non khám phá xung quanh. Tê giác con cũng luôn bám sát bên mẹ. Ảnh: The Aspinall Foundation |
"Vài ngày nay, chúng tôi cho Damara và con nó ra ngoài vào sáng sớm, trước khi công viên mở cửa. Đây là đứa con đầu tiên của Damara và con tê giác mẹ này thể hiện đặc điểm điển hình của loài tê giác đen, đó là sự che chở cao độ với con non", Helen Rhodes, một nhân viên chăm sóc cho hay. "Do đó, chúng tôi muốn mọi việc diễn ra thật chậm rãi và từ tốn, trước khi chính thức giới thiệu tê giác con tới công chúng".
Tê giác đen thường sống ở vùng Trung Phi và có kích thước nhỏ hơn tê giác trắng. Dù vậy, những con trưởng thành có thể đạt tới chiều cao 1,5 m và nặng gần 1,5 tấn. Đặc điểm phân biệt tê giác đen và tê giác trắng là phần môi trên nhọn, khác với môi vuông ở tê giác trắng. Phần môi nhọn giúp tê giác đen ăn cành non của các cây họ gỗ và các loại thảo mộc. Theo Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), tê giác đen đặc biệt thích cây keo.
Tê giác đen trưởng thành chủ yếu sống đơn độc, song tê giác mẹ và con cái thường ở cạnh nhau trong thời gian dài. Tuổi sinh sản của tê giác cái là 4-5 tuổi, nhưng chúng chỉ sinh con khi đủ 7 tuổi, trong khi tê giác đực kết đôi trong tuổi 10-12.